Nhiều nghiệp vụ cơ bản được số hóa
Đơn cử như trong giai đoạn từ 2021 đến 2025, Techcombank dự kiến chi hơn 500 triệu USD cho chuyển đổi số và phát triển hạ tầng công nghệ, nhằm tạo ra một hệ sinh thái tài chính số toàn diện. VPBank và MB cũng đã chi hàng nghìn tỷ đồng vào việc triển khai hệ thống ngân hàng lõi, nâng cấp nền tảng kỹ thuật số và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng trực tuyến. Trong khi lãnh đạo ACB tiết lộ, thời gian qua, ngân hàng này đã đầu tư rất nhiều trong công cuộc chuyển đổi số, với số tiền ước khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Nhờ chiến lược bài bản và nguồn vốn đầu tư lớn, đến thời điểm này nhiều ngân hàng tại Việt Nam có tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt hơn 90%. Trong đó, các nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% như tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay... Bên cạnh đó, số người sử dụng các dịch vụ ngân hàng ngày càng gia tăng, nhất là dịch vụ liên quan tới thanh toán. Thống kê cho thấy, đến nay có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Trong 8 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 59,05% về số lượng và 33,64% về giá trị; qua kênh Internet tăng 50,85% về số lượng và 33,15% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,95% về số lượng và 36,60% về giá trị; qua QR Code tăng 109,03% về số lượng và 111,37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Thực tế đã chứng minh, bất cứ TCTD nào “đi tắt đón đầu”, nhận thức triển khai chuyển đổi số sớm đã bắt đầu hái được nhiều “trái ngọt”, nâng tầm quy mô, thương hiệu, dịch vụ của ngân hàng. Theo ông Pranav Seth, Giám đốc Khối Văn phòng chuyển đổi số Techcombank, trong 3 năm qua, chuyển đổi số tại ngân hàng không chỉ đơn thuần là kênh giao dịch số, kênh giao dịch online, mà chính là nguồn doanh thu mới. Hiện nay, khoảng 35% doanh thu của Techcombank đến từ khách hàng số hoặc giao dịch số. Tính riêng quý III/2024, Techcombank đã thu hút thêm gần 500.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng phục vụ lên hơn 14,8 triệu. Trong đó, 57,4% khách hàng cá nhân gia nhập thông qua nền tảng số. Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn giúp tiết giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng. Hoạt động kinh doanh trên nền tảng số của Techcombank ghi nhận tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) thấp hơn đến 14 điểm % so với kênh chi nhánh.
Không chỉ riêng Techcombank, TPBank cũng đang đón nhận những thành quả từ chuyển đổi số. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, nhờ đi đầu trong triển khai cho vay trên kênh số, hiện ngân hàng có lượng khách vay trên kênh số chiếm gần 5% tổng danh mục tín dụng. Khác với kênh vay truyền thống, TPBank vận hành trên kênh số tất cả các khâu từ ký hợp đồng đến phát vay. Kênh này cũng có khả năng phân tích, nghiên cứu dữ liệu và chấm điểm tín dụng khách hàng trong vài phút, giúp quy trình cho vay nhanh chóng, an toàn và mang lại lợi ích cho khách hàng. Cho vay trên kênh số cũng giúp TPBank quản lý được tỷ lệ nợ xấu ở mức khá thấp, lượng khách hàng cũng ngày càng tăng. Ngoài ra, TPBank cũng ứng dụng dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác như ứng dụng AI để phân tích hành vi khách hàng tại từng điểm giao dịch giúp tiết kiệm được 25% lượng tiền mặt, tiết kiệm được chi phí vận hành tại các điểm giao dịch Livebank.
Giúp đa dạng dịch vụ, tăng nguồn thu
Thống kê từ báo cáo các ngân hàng, CIR của nhiều ngân hàng hiện nay đã giảm xuống dưới mức 40%, trong đó có một số ngân hàng xuống dưới ngưỡng 30% tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới. Đáng chú ý, những ngân hàng đầu tư mạnh mẽ nhất cho hoạt động chuyển đổi số cũng chính là những ngân hàng giảm được tỷ lệ CIR nhanh nhất.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, chuyển đổi số hiệu quả cùng khả năng kiểm soát rủi ro và chi phí ở các chốt chặn là động lực để ngân hàng tự tin với kế hoạch kinh doanh vào năm 2024 cho dù bối cảnh kinh tế chung vẫn còn thách thức. Nhất là khi NIM (thu nhập lãi thuần) của các ngân hàng được dự báo đi ngang hoặc giảm nhẹ, việc sớm chuyển đổi số, tăng thu ngoài lãi được coi như một điểm sáng.
Một trong những ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ tăng cao nhất báo cáo công bố quý III/2024 đó là NCB, con số này gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước, đạt 63 tỷ đồng. Theo NCB, từ năm 2023 đến nay, ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và giải pháp công nghệ. Đặc biệt, trong năm 2024, nhà băng này đã hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới để triển khai các dự án chuyển đổi số có tính phức tạp cao. Tính tới thời điểm 30/9/2024, ngân hàng đã đạt quy mô hơn 1,24 triệu khách hàng, bằng 160% so với kế hoạch cả năm và tăng trưởng 24,22% so với cuối năm 2023.
Trong bối cảnh nguồn thu từ tín dụng ngày càng khó, TS. Châu Đình Linh, Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, các nhà băng cần phải tiếp tục tăng nguồn thu ngoài lãi bằng nhiều giải pháp. Trong đó, việc tích cực chuyển đổi số giúp ngân hàng đa dạng sản phẩm dịch vụ, tăng tính cạnh tranh, thu hút được người sử dụng nhiều hơn. Bên cạnh sự chủ động các ngân hàng, về phía cơ quan quản lý nên có những hỗ trợ các nhà băng chuyển đổi số.
Một trong những động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng thời gian tới đó là việc thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số... Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc triển khai tốt đề án này sẽ giúp ngân hàng xác minh người dùng khi cung ứng dịch vụ, qua đó góp phần tăng cường an ninh, an toàn trong quá trình phổ cập dịch vụ ngân hàng số nói chung và thanh toán số nói riêng.
Quỳnh Trang