Cụ thể, mảng mua bán chứng khoán tại MB trong quý III/2024 có biến động trái chiều. Trong khi hoạt động chứng khoán kinh doanh lãi 226 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ thì mảng mua bán chứng khoán đầu tư lại lỗ 172 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi hơn 180 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MB tăng 3,6%, đạt 20.736 tỷ đồng. Hai mảng có lãi thuần giảm là mua bán chứng khoán đầu tư (giảm gần 8%) và góp vốn mua cổ phần (giảm hơn 38%).
Trong quý III/2024, ACB cũng không còn ghi nhận khoản thu đột biến từ chứng khoán đầu tư, khiến lãi thuần từ mảng này giảm gần 95% xuống còn 47,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 882 tỷ đồng, do đó nguồn thu chủ yếu từ tín dụng.
Tại VietABank, các nguồn thu ngoài lãi khác đi lùi so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ gần 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi. Chứng khoán đầu tư lỗ 17 triệu đồng, cùng kỳ lãi 130 tỷ đồng.
Tính riêng quý III/2024, thu nhập lãi thuần của Vietinbank tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 15,578 tỷ đồng. Nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng mạnh là thu từ hoạt động khác gần 3,963 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh chuyển lỗ thành lãi 16 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lãi từ dịch vụ giảm 1%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 46%, trong khi hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietinbank tăng 29%, thu được 15.821 tỷ đồng. Ngân hàng cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 25% lên 9.269 tỷ đồng, do đó chỉ còn 6.553 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 35% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng này lãi trước thuế hợp nhất gần 19.512 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế riêng lẻ đạt 18,719 tỷ đồng, tăng 11%.
Trong quý III/2024, nguồn thu chính của BIDV tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ, đạt gần 13.990 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Các nguồn thu nhập phi tín dụng sụt giảm như lãi từ dịch vụ (giảm 16%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (giảm 56%), hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh báo lỗ.
Riêng lợi nhuận khác gấp đôi cùng kỳ, thu được 1.504 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV giảm nhẹ 8% còn 10,951 tỷ đồng. Trong quý, Ngân hàng trích 4.453 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (giảm 25%), do đó BIDV lãi trước thuế hơn 6.498 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, BIDV lãi trước thuế gần 22.047 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Quý III/2024, Sacombank tăng mạnh 31% nguồn thu từ hoạt động cốt lõi so với cùng kỳ, đạt hơn 6.365 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Lãi từ dịch vụ cũng tăng 5% lên 756 tỷ đồng. Trong khi đó, một số nguồn thu ngoài lãi sụt giảm so với cùng kỳ như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư, hoạt động khác.
Chi phí hoạt động của Sacombank tăng 9%, lên mức 3.287 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng đến 36%, thu được 3.950 tỷ đồng. Trong quý, Ngân hàng tăng cường bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng khi trích 1.199 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Dù vậy, Sacombank vẫn lãi trước thuế gần 2.752 tỷ đồng, tăng mạnh 32%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Sacombank lãi trước thuế 8.094 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, hoàn thành 76% mục tiêu 10.600 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm 2024.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần của MSB đạt hơn 7.104 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm như lãi từ dịch vụ giảm 21% còn 1.041 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 18% còn 846 tỷ đồng, lãi từ chứng khoán đầu tư giảm 33% còn 153 tỷ đồng.
Chứng khoán kinh doanh là một loại tài sản ngắn hạn, được mua vào và bán ra trong thời gian ngắn hạn. Còn chứng khoán đầu tư thì mang tính dài hạn hơn, là dạng chứng khoán nợ hay chứng khoán vốn mà công ty dự định nắm giữ đến ngày đáo hạn hoặc nắm giữ lâu dài nếu như chứng khoán không có ngày đáo hạn.
Vân Linh