Ngân hàng không còn muốn 'ăn dày' từ tín dụng, tìm cách gia tăng lợi nhuận bền vững

Ngân hàng không còn muốn 'ăn dày' từ tín dụng, tìm cách gia tăng lợi nhuận bền vững
15 giờ trướcBài gốc
Năm 2025, dù lãi suất cho vay khó tăng, nhưng tín dụng được nhận định tích cực hơn (tín dụng tăng trưởng từ 16%) khi sức hấp thu vốn của nền kinh tế cải thiện, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ khác, nên các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao, từ 10 - 15%.
Lợi nhuận phân hóa theo chất lượng dòng vốn
Giới phân tích đánh giá, trong nửa đầu năm, nhu cầu tín dụng gia tăng trở lại nhờ sự phục hồi đơn hàng xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công và tâm lý tích cực dần trở lại với khối doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, lợi nhuận ngân hàng trong quý II sẽ khởi sắc, tuy nhiên vẫn có sự phân hóa theo chất lượng dòng vốn.
PGBank vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 188 tỷ đồng, tăng hơn 98,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong quý II, động lực tăng trưởng lợi nhuận của PGBank đến từ việc mở rộng nguồn thu và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 284 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm tín dụng trở thành động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.
Báo cáo tài chính của NCB cho thấy ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong quý II/2025, ước đạt hơn 311 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, lợi nhuận sau thuế của NCB ước đạt hơn 462 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 6 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024 (tức cao gấp 77 lần).
TPBank mới đây đã hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt trên 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt gần 11,7%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ, bất động sản có kiểm soát và tài chính tiêu dùng – những mảng mang lại biên lãi ròng cao.
Theo báo cáo tài chính quý II/2025 vừa được công bố, Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 921 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ và thực hiện được gần 67% kế hoạch kinh doanh năm 2025 (1.379 tỷ đồng). Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ việc gia tăng nguồn thu và cắt giảm chi phí hoạt động.
Nam A Bank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024.
Các ngân hàng quốc doanh chưa công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, ban lãnh đạo Agribank cho biết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm đạt cao nhất sau 4 năm triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ năm 2024.
VietinBank cũng cho biết dư nợ tín dụng tăng trưởng ước đạt 10% so với cuối năm 2024; nguồn vốn huy động tăng ước đạt hơn 9% so với cuối năm 2024; lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Vietcombank thông tin đến cuối tháng 6/2025, tín dụng của Vietcombank đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024. Nếu không bao gồm hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ hỗ trợ VCB Neo, mức tăng đạt 7,5%.
Gia tăng lợi nhuận bền vững
Hiện nay, mới chỉ có 5 nhà băng công bố lợi nhuận quý II/2025, với kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là giai đoạn tái cấu trúc, khả năng quản trị rủi ro và tốc độ chuyển đổi số sẽ quyết định mức tăng trưởng của ngân hàng, chứ không đơn thuần nằm ở tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Những ngân hàng có nền tảng công nghệ mạnh, tỷ lệ CASA cao, tập trung vào ngân hàng bán lẻ và tín dụng tiêu dùng an toàn sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Ngược lại, các ngân hàng còn bị “kẹt” trong trái phiếu doanh nghiệp rủi ro, nợ xấu từ bất động sản hoặc cấu trúc tín dụng kém đa dạng sẽ phải trích lập dự phòng lớn, khiến lợi nhuận sụt giảm đáng kể.
Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng, ngành ngân hàng với vai trò là trụ cột của nền kinh tế và thị trường tài chính nhiều khả năng sẽ có một năm kinh doanh tích cực.
Tuy nhiên, mức độ khả quan này sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng. Nguyên nhân nằm ở sự phân hóa rõ nét, khi tỷ trọng tiền gửi vẫn ở mức cao và khả năng tận dụng các chính sách hỗ trợ giữa các ngân hàng là khác nhau. Đồng thời, sự phân hóa trong tăng trưởng giữa các ngành kinh tế cũng sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động ngân hàng. Do đó, những ngân hàng có chiến lược phù hợp và năng lực phân tích, dự báo tốt sẽ có cơ hội ghi nhận kết quả kinh doanh nổi bật hơn so với phần còn lại.
Lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm được dự báo vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng, song các nhà băng cho biết đang tìm cách để tăng thu lợi nhuận bền vững. Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, trong bối cảnh Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ tăng trưởng, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí và chấp nhận giảm NIM để đưa nguồn vốn giá rẻ ra thị trường. Không chỉ do chính sách điều hành, mà thực tế hiện nay, ngân hàng nào cũng phải cạnh tranh giữ thị phần tín dụng, đặc biệt là khách hàng tốt, nên rất khó áp dụng lãi suất cao. Điều này phần nào tác động lên kết quả hoạt động, ảnh hưởng tới thu nhập lãi thuần.
Tuy nhiên, khi tín dụng tăng sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, từ đó giúp các ngân hàng đẩy mạnh các sản phẩm khác để tăng nguồn thu ngoài lãi, góp phần gia tăng lợi nhuận. Vì thế, theo ông Hải, tín dụng phải vào thị trường càng sớm mới thúc đẩy tăng trưởng.
Một số chuyên gia khác cũng đánh giá, dù hoạt động tín dụng đóng góp một nguồn thu rất lớn, nhưng kéo theo rất nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay. Do đó, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh thu ngoài lãi, giảm phụ thuộc vào tín dụng.
Thực tế, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ tăng lên mức 16 - 17% và mức cao hơn đến năm 2030.
Trong quý I/2025, HDBank là một trong những ngân hàng có mức tăng nguồn thu từ dịch vụ ấn tượng, với mức tăng tới 105,5%, đạt 733,3 tỷ đồng.
Tương tự, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý I/2025 của MB đạt 1.235 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ; kinh doanh ngoại hối đạt 537 tỷ đồng, tăng 16%; đầu tư chứng khoán ghi nhận 509 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ; hoạt động khác đóng góp 1.179 tỷ đồng, tăng 3,2 lần.
Trong quý I/2025, thu nhập ngoài lãi của ACB tăng 7,52%, thu về 1.556 tỷ đồng; tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng doanh thu tăng lên 20% từ mức 18% cùng kỳ.
Huyền Anh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-khong-con-muon-an-day-tu-tin-dung-tim-cach-gia-tang-loi-nhuan-ben-vung-1108254.html