Cầu tín dụng tăng mạnh, chính sách lãi suất phát huy hiệu quả
Kết quả điều tra cho thấy, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng (bao gồm gửi tiền, thanh toán, thẻ và vay vốn) tiếp tục cải thiện trong quý II/2025. Đáng chú ý, nhu cầu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ được đánh giá cải thiện rõ rệt, cao hơn so với quý trước và vượt nhu cầu gửi tiền trong cùng kỳ.
Dự báo cho quý III và cả năm 2025, các TCTD kỳ vọng nhu cầu vay vốn tiếp tục tăng, với 62,6% TCTD lựa chọn phương án "tăng", cao hơn so với kỳ vọng dành cho dịch vụ thanh toán và gửi tiền (từ 45,7% đến 57,3%).
Trước diễn biến tích cực của lãi suất thị trường, các TCTD cho biết đã chủ động điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất biên nhiều hơn so với phí dịch vụ đúng như dự kiến tại kỳ điều tra trước. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục kéo dài trong quý III và đến hết năm 2025, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát vẫn được kiểm soát tốt.
Các TCTD đã điều chỉnh tăng nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 lên mức 16,8%
Theo ước tính của các TCTD, mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý II/2025, đặc biệt là lãi suất cho vay. Với diễn biến trong 6 tháng đầu năm, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND cuối năm nay về cơ bản không thay đổi so với cuối năm 2024.
Dẫu vậy, các TCTD kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4% (VND tăng 4,4%; ngoại tệ: tăng 2,5%) và dư nợ tín dụng tăng bình quân 4,7% (VND: tăng 4,7%; ngoại tệ: tăng 4,8%) trong quý III/2025.
Tại cuộc điều tra kỳ này, các TCTD đã điều chỉnh tăng nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 lên mức 16,8% (cao hơn tốc độ tăng trưởng thực tế của năm 2024), đặc biệt tiếp tục điều chỉnh tăng kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn so với các kỳ điều tra trước lên mức 13,9%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng thực tế của năm 2024 và nếu đạt được thì sẽ là tốc độ tăng trưởng huy động vốn theo năm cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Thanh khoản duy trì tốt, rủi ro tổng thể có xu hướng ổn định
Trong quý II/2025, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì ở trạng thái "tốt", dù mức cải thiện có phần chậm hơn so với kỳ vọng. Song các TCTD vẫn lạc quan khi dự báo thanh khoản sẽ tiếp tục được cải thiện trong quý III và cả năm 2025.
Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được nhận định tiếp tục tăng nhẹ trong quý II và quý III/2025, nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” vào cuối năm. Ở thời điểm hiện tại, 21,8% TCTD (giảm 4,5 điểm % so với kỳ trước) nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng ở mức “cao” (0,9%) và “khá cao” (20,9%). Theo kết quả điều tra, các TCTD nhận định MBRR tổng thể của khách hàng tăng nhẹ trong 2 quý đầu năm 2025 và dự báo tiếp tục tăng nhẹ trong quý III/2025, tuy nhiên, các TCTD cũng kỳ vọng tính đến cuối năm 2025, MBRR có thể “giảm nhẹ” so với cuối năm 2024. Điều này cho thấy khả năng các TCTD đang kỳ vọng MBRR có sự cải thiện đáng kể trong quý cuối của năm. Dự báo cho năm 2026, các TCTD kỳ vọng MBRR sẽ tiếp tục được cải thiện so với năm 2025.
Khác với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ xấu trong quý II/2025 được đánh giá có xu hướng giảm nhẹ, dù tỷ lệ TCTD ghi nhận giảm vẫn thấp hơn kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (20,9% so với 23,2%). Tuy vậy, các TCTD tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo về tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng đến cuối năm, phản ánh kỳ vọng vào hiệu quả xử lý nợ xấu cũng như chất lượng tín dụng được cải thiện rõ nét hơn trong các quý cuối năm.
Nhiều yếu tố hỗ trợ, TCTD lạc quan về kết quả kinh doanh
Tín dụng tăng trưởng tích cực, lãi suất ổn định, thanh khoản duy trì tốt và nợ xấu giảm... là những yếu tố giúp các TCTD tự tin dự báo tình hình kinh doanh và lợi nhuận quý II/2025 cải thiện tốt hơn so với quý I. Tỷ lệ TCTD đánh giá tình hình kinh doanh quý II "suy giảm" đã giảm mạnh từ 14,8% (quý I) xuống còn 11,2%.
Khoảng 70,2 – 76,3% TCTD đánh giá các nhân tố nội tại như chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị tiếp tục phát huy hiệu quả tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh. Chỉ 3,5% TCTD lo ngại các yếu tố nội tại làm suy giảm tình hình kinh doanh, chủ yếu do nguồn lực, tài chính và năng lực công nghệ nội tại.
Về các yếu tố khách quan, 65,8 – 72,8% TCTD cho rằng “cầu của nền kinh tế” và “điều kiện tài chính của khách hàng” là hai nhân tố ảnh hưởng tích cực trong quý II và cả năm 2025.
Tuy nhiên, dự kiến cho năm 2025, các TCTD dự báo “chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước” mới là nhân tố khách quan quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh doanh của TCTD, tiếp theo là “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”. Bên cạnh đó, vẫn có 6,03 -12,93% TCTD lo ngại các nhân tố khách quan ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của TCTD trong quý II/2025 và cả năm 2025. Nhân tố “sự cạnh tranh từ các TCTD khác” tiếp tục được nhiều TCTD lựa chọn nhất (25%-23,28%) tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh trong quý II/2025 và dự kiến cho năm 2025.
Trong quý II/2025, 37,39% TCTD cho biết đã tuyển thêm lao động, 27,83% cắt giảm lao động. Tại thời điểm cuối quý II, hơn 73% TCTD đánh giá số lượng lao động hiện có đáp ứng đủ nhu cầu công việc. Dự kiến trong quý III và cả năm 2025, từ 38% đến 50% TCTD sẽ tiếp tục tuyển dụng lao động, cho thấy nhu cầu mở rộng hoạt động vẫn duy trì tích cực.
Nguyễn Vũ