Ngân hàng mạnh tay giải ngân, tín dụng bất động sản bứt tốc

Ngân hàng mạnh tay giải ngân, tín dụng bất động sản bứt tốc
7 giờ trướcBài gốc
Ngân hàng "mở van" vốn bất động sản
Trong bức tranh phục hồi kinh tế những tháng đầu năm 2025, dòng vốn tín dụng được xem là nhịp đập quan trọng để giữ nhiệt thị trường và kích thích tiêu dùng, đầu tư. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 18/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã vượt mốc 16,7 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với đầu năm và tăng tới 18,71% so với cùng kỳ năm 2024, tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng được bơm thêm trong chưa đầy nửa năm. Đây là con số kỷ lục nếu đặt trong bối cảnh trung bình các tháng đầu năm, tín dụng thường tăng trưởng chậm.
Sự khởi sắc trong tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã lập tức lan tỏa đến bất động sản, lĩnh vực từng bị xếp vào “vùng rủi ro cao” và chịu nhiều dè dặt từ các ngân hàng. Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản riêng quý I/2025 đã đạt 7,49%. Đáng chú ý, phân khúc nhà ở xã hội vốn từng rơi vào thế bị bỏ ngỏ nay đã bắt đầu thu hút dòng vốn trở lại. Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nhà ở xã hội đến cuối tháng 4/2025 ghi nhận 2.764 tỷ đồng, tăng 4,84% so với tháng trước, phản ánh sự định hướng lại dòng vốn của hệ thống tài chính.
Các ngân hàng thương mại cũng không đứng ngoài cuộc, liên tục công bố các gói vay ưu đãi nhằm bắt nhịp nhu cầu mua nhà, đặc biệt trong nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), vừa triển khai hai giải pháp tài chính “Z Home” và “Prime Home” hướng đến những người trẻ, mua nhà lần đầu, với hạn mức vay tối đa tới 85% giá trị bất động sản, lãi suất ưu đãi cố định chỉ từ 6,5% đến 7,5%/năm và tổng hạn mức vay có thể lên tới 10 tỷ đồng. Các chương trình này không chỉ hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ về tín dụng ưu đãi cho người trẻ, đặc biệt là người dưới 35 tuổi, để hỗ trợ họ mua nhà ở xã hội, mà còn góp phần điều tiết dòng tiền đến đúng địa chỉ, phục vụ nhu cầu ở thực thay vì đầu cơ.
Hơn 1 triệu tỷ đồng được bơm thêm vào nền kinh tế trong chưa đầy nửa năm 2025. Ảnh: Duy Minh
Ngoài Sacombank, loạt ngân hàng khác cũng cho thấy tín dụng bất động sản đã được khơi thông đáng kể. Báo cáo tài chính quý I/2025 của 12 ngân hàng niêm yết cho thấy, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng 9,7% so với cuối năm 2024, trong đó Techcombank dẫn đầu với 214.783 tỷ đồng dư nợ cho vay bất động sản, tăng 14,8% so với cuối năm trước và chiếm tới 33,9% tổng dư nợ. PGBank tăng trưởng tín dụng bất động sản tới 34,4%, dù quy mô tuyệt đối còn khá nhỏ ở mức 4.745 tỷ đồng; VIB tăng 24,9%, KienlongBank tăng 20,5%, HDBank tăng 17%, MB tăng 12,2%.
Cùng với đó là mặt bằng lãi suất vay mua nhà đất hiện đang được các ngân hàng duy trì ở mức cạnh tranh, phổ biến 5,5 - 6,5%/năm cố định hai năm đầu, tín dụng bất động sản đã thực sự có cơ hội bứt tốc trở lại sau quãng dài trầm lắng. Điều này mang đến hy vọng cho nhiều dự án dở dang được hồi sinh, đồng thời tiếp sức cho phân khúc nhà ở xã hội nơi đang "khát" vốn để phục vụ nhu cầu thật và đảm bảo an sinh.
Không để tín dụng nuôi dưỡng bong bóng mới
Dù đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, song dòng tín dụng chảy mạnh vào bất động sản cũng gợi lên những cảnh báo từ giới chuyên gia. TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, nhìn nhận tín dụng bất động sản tăng trưởng cho thấy thị trường đang dần hồi phục, nhờ các chính sách tháo gỡ nút thắt pháp lý và gói vay ưu đãi lãi suất. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, chưa thể khẳng định một sự phục hồi toàn diện, bởi các rủi ro về thanh khoản, về khả năng trả nợ và mức giá bất động sản vẫn đang cao so với thu nhập của phần lớn người dân, cần phải được kiểm soát sát sao.
Phân khúc nhà ở xã hội vốn từng rơi vào thế bị bỏ ngỏ nay đã bắt đầu thu hút dòng vốn trở lại, Ảnh: Nguyễn Vân
Ở góc nhìn tương tự, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên quá lạc quan khi thấy tín dụng bất động sản tăng nhanh, vì Ngân hàng Nhà nước vẫn đang đặt cơ chế giám sát nghiêm ngặt để phòng ngừa dòng vốn chảy lệch vào đầu cơ, dẫn tới hình thành bong bóng mới. “Tín dụng tăng không đồng nghĩa thị trường sẽ sốt nóng trở lại. Giá bất động sản ở nhiều khu vực vẫn rất cao so với sức mua thực tế. Nếu các ngân hàng không phân bổ đúng đối tượng, rất dễ tái diễn vòng luẩn quẩn sốt, siết, vỡ từng khiến nền kinh tế điêu đứng”, ông Hiển nhận định.
Các chuyên gia đồng thuận rằng, tín dụng bất động sản chỉ nên thực sự được coi là tin vui nếu đi kèm với các điều kiện kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, họ khuyến nghị ưu tiên dòng vốn cho các dự án nhà ở xã hội, căn hộ trung cấp, phân khúc ít đầu cơ, phục vụ nhu cầu thật và có lực cầu ổn định. Đây cũng là nhóm có khả năng tiêu thụ đều đặn, giúp duy trì nhịp phục hồi cho toàn thị trường mà không tạo ra "bong bóng" giá ảo.
Ngoài ra, một hướng đi được khuyến nghị song song là đa dạng hóa nguồn vốn, thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác với các quỹ đầu tư, thay vì hoàn toàn trông cậy vào tín dụng ngân hàng. Cách tiếp cận này không chỉ giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng, mà còn tăng thêm độ an toàn và phân tán rủi ro, nhất là khi thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn không ít biến động.
Tín dụng bất động sản đang khơi thông, dòng tiền bắt đầu chảy về những dự án đáp ứng nhu cầu thực, đặc biệt là nhà ở xã hội, song bài học quá khứ buộc các ngân hàng lẫn doanh nghiệp phải thận trọng. Một thị trường phục hồi bền vững chỉ có thể hình thành khi dòng vốn được dẫn dắt một cách khôn ngoan, đi đến đúng địa chỉ và đặt trên nền tảng pháp lý, tài chính vững chắc. Khi đó, niềm vui về đà tăng trưởng tín dụng mới thực sự trọn vẹn và không còn ám ảnh bởi "bong bóng".
Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú từng cho biết: “Chúng tôi không bao giờ siết tín dụng bất động sản, nhưng tín dụng sẽ không bị thu hút vào đầu cơ, thao túng thị trường dẫn đến trì trệ dòng vốn. Tín dụng vào bất động sản có tính chất thương mại, giá rẻ vẫn là đối tượng cần được quan tâm”.
Ngân Thương
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ngan-hang-manh-tay-giai-ngan-tin-dung-bat-dong-san-but-toc-408776.html