Ngân hàng mạnh tay rót vốn vào bất động sản

Ngân hàng mạnh tay rót vốn vào bất động sản
7 giờ trướcBài gốc
Sẵn sàng cho vay dự án đủ pháp lý
Theo chuyên gia Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup, trong bối cảnh tiêu dùng yếu và tín dụng sản xuất gần như đi ngang, tín dụng toàn hệ thống tăng mạnh nhờ dòng tiền chảy chủ yếu vào bất động sản, lĩnh vực ghi nhận mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua. Tín dụng vào khu vực thương mại, vận tải và viễn thông cũng đi ngang quanh mức 18-19%. Ngược lại, tín dụng đổ vào tiêu dùng và bất động sản lại tăng trưởng rất mạnh, đạt mức kỷ lục trong nhiều năm.
Các ngân hàng vẫn đang tích cực rót vốn vào BĐS. Ảnh minh họa
Đà tăng của tín dụng bất động sản từ đầu năm đến nay phù hợp với diễn biến ấm lên của thị trường bất động sản dù mức độ phục hồi chưa đồng đều và giá bất động sản vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của nhiều người dân.
Bên cạnh đó, các điều kiện phát hành trái phiếu siết chặt hơn, khiến DN bất động sản trở nên khó khăn hơn trong phát hành mới. Đây là lý do khiến DN bất động sản phụ thuộc hơn vào tín dụng.
Các nhà băng vẫn đang tích cực rót vốn vào bất động sản trong bối cảnh nhiều dự án tái khởi động, nguồn cung trên thị trường có những tín hiệu dồi dào trở lại và lãi suất cho vay mua nhà duy trì ở mức tương đối thấp. Một số ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ cao tính đến cuối quý I/2025 có thể kể đến là KienlongBank (16,2%), BVBank (17,5%), VPBank (25,5%), HDBank chiếm 18,1%, SHB chiếm 24,5%,...
Tín dụng bất động sản 6 tháng đầu năm tăng trưởng nổi bật, nhưng dòng vốn không dàn trải mà đang có sự phân hóa mạnh. Chỉ những dự án đủ điều kiện mới được giải ngân.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhà sáng lập công ty CPDV Bất động sản Sen Vàng, dòng vốn chủ yếu tập trung vào ba nhóm. Thứ nhất là nhà ở phục vụ nhu cầu thực, đặc biệt bất động sản gần các tuyến giao thông chính. Thứ hai là bất động sản công nghiệp và logistics, hưởng lợi từ vốn đầu tư nước ngoài. Cuối cùng là các dự án có pháp lý rõ ràng, do chủ đầu tư uy tín triển khai. Trong khi đó, đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng hầu như không tiếp cận được vốn.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, năm nay, các ngân hàng một mặt chịu áp lực tăng trưởng tín dụng cao để hỗ trợ nền kinh tế, một mặt giới hạn về khả năng huy động khi duy trì mức lãi suất thấp, lại phải đáp ứng hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Tăng trưởng tiền gửi 2 tháng vừa rồi chậm lại gây áp lực đáng kể về mặt thanh khoản, ngân hàng phải tăng vốn cổ phần, phát hành trái phiếu… để cân đối nguồn vốn. Dòng tín dụng vì vậy đang có xu hướng dịch chuyển sang các phân khúc an toàn, bền vững hơn.
Vốn tín dụng tiếp tục chảy vào bất động sản
PGS, TS. Nguyễn Hữu Huân (trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) nhận định bất động sản và hạ tầng sẽ là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2025 và xuyên suốt năm 2026. Đây cũng là hai lĩnh vực đang nhận được sự ưu tiên lớn từ các chính sách điều hành vĩ mô, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ nhằm kích cầu nội địa và duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Song song với đó, thị trường bất động sản ở một số phân khúc và địa phương cũng đang nổi lên như một điểm sáng đầu tư mới, nhờ các yếu tố như sáp nhập địa giới hành chính, quy hoạch vùng và làn sóng đầu tư hạ tầng đang lan tỏa mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cũng cho rằng năm nay, các ngân hàng sẽ tập trung cho vay các dự án hạ tầng giao thông và bất động sản thương mại, nhất là bất động sản ăn theo các trục giao thông công cộng, nhà ga metro, dự án khu vực vệ tinh…
Dù vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, các ngân hàng đều có chiến lược phân bổ tín dụng theo định hướng kinh doanh và giải pháp quản lý rủi ro, song tỷ trọng tín dụng dành cho bất động sản quá lớn và kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực dành cho các lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế. Do đó, cần đẩy nhanh thực thi các gói tín dụng cho những lĩnh vực khác, như gói 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ tín dụng tích cực cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu để thúc đẩy dòng tín dụng lành mạnh và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững…
Các chuyên gia cũng chỉ ra, thị trường cũng mất cân đối cung cầu, dư thừa nhà ở cao cấp nhưng thiếu nghiêm trọng nhà ở xã hội và phân khúc vừa túi tiền. Để khắc phục, cần tín dụng ưu đãi, hỗ trợ pháp lý và quỹ đất cho phân khúc này. Dòng vốn vẫn phân hóa rõ rệt, chỉ những dự án đủ điều kiện mới được giải ngân. Nếu không sớm gỡ nút thắt pháp lý và tăng nguồn cung phù hợp, thị trường có thể rơi vào tình trạng mất cân đối và bị chi phối bởi một số DN lớn.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết: Kể từ khi triển khai chương trình nhà ở xã hội, NHNN đã sáu lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, đến nay doanh số giải ngân chỉ mới đạt hơn 4.000 tỷ đồng là con số rất thấp so với quy mô gói tín dụng. Nguyên nhân chính, theo ông Bắc, là do thiếu dự án nhà ở xã hội phù hợp để giải ngân. Bên cạnh đó, trong số 103 dự án được rà soát, có tới 28 dự án chủ đầu tư chủ động từ chối vay vốn vì không còn nhu cầu hoặc chưa đủ điều kiện tiếp cận.
Thảo Nguyên
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ngan-hang-manh-tay-rot-von-vao-bat-dong-san.779533.html