Theo thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính quý 4/2024 của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, có 13 ngân hàng hạch toán chi tiết khoản mục cho vay ngành bất động sản.
Theo đó, tổng dư nợ tín dụng bất động sản của 13 ngân hàng này đạt 724,23 nghìn tỷ đồng, tăng 42,2% so với hồi đầu năm đạt khoảng 509 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 12/13 ngân hàng thống kê ghi nhận dư nợ cho vay bất động sản tăng so với đầu năm 2024.
Xét về số dư tuyệt đối, Techcombank là ngân hàng đứng đầu với 187.100 tỷ đồng dư nợ cho các doanh nghiệp vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm ngày 31/12/2024, chiếm gần 31% tổng dư nợ và tăng 5,8% so với đầu năm.
Xếp ngay sau Techcombank về dư nợ cho vay bất động sản là VPBank với dư nợ bất động sản đạt 186.736 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng và tăng 63% so với hồi đầu năm.
Đứng thứ ba về dư nợ cho vay bất động sản năm 2024 là SHB với 122.977 tỷ đồng, chiếm 23,66% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng và tăng 67,8% so với đầu năm 2024.
Ghi nhận dư nợ cho vay bất động sản đạt trên 50.000 tỷ đồng trong năm 2024 còn có HDBank và MB. Theo đó, HDBank đạt dư nợ bất động sản 68.291 tỷ đồng, tăng 17,2% so với thời điểm đầu năm, chiếm 15,43% tổng nợ vay. MB ghi nhận dư nợ bất động sản 64.141 tỷ đồng, tăng 48,2% so với đầu năm, chiếm 8,26% tổng dư nợ vay của ngân hàng.
Cũng theo thống kê, VietBank, TPBank, MSB, BVBank và LPBank là những ngân hàng tiếp theo trong danh sách ghi nhận dư nợ cho vay bất động sản trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, VietBank ghi nhận dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản 17.228 tỷ đồng; BVBank ghi nhận dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản 11.406 tỷ đồng; LPBank ghi nhận dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản 10.136 tỷ đồng và MSB ghi nhận dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản 17.153 tỷ đồng.
VIB, Kienlongbank và PGBank là những ngân hàng chỉ ghi nhận dư nợ cho vay dưới mức 10.000 tỷ đồng, thấp nhất là PGBank với 2.904 tỷ đồng.
Xét về tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản, KienlongBank là ngân hàng có tốc độ tăng cho vay bất động sản cao nhất với gần 315% so với đầu năm 2024, nâng dư nợ cho vay bất động sản lên trên 9.108 tỷ đồng.
Cũng ghi nhận mức tăng dư nợ tín dụng bất động sản lên tới 3 chữ số là VIB với mức tăng 240,4%, đưa dư nợ tín dụng lên 5.695 tỷ đồng, tuy nhiên, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ chiếm 1,76% tổng dư nợ vay của ngân hàng này.
Ngược lại, PGBank là ngân hàng duy nhất ghi nhận giảm cho vay ở lĩnh vực này với tỷ lệ giảm là 27,5% so với đầu năm, đưa dư nợ cho vay bất động sản về 10.136 tỷ đồng.
Xét về tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ, Techcombank vừa là ngân hàng ngân hàng dẫn đầu về quy mô cho vay, đồng thời cũng là ngân hàng dẫn đầu về tỷ trọng cho vay bất động sản khi chiếm đến gần 31% trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này.
Theo sau đó là VPBank với dư nợ cho vay bất động sản chiếm 26,95% tổng dư nợ. SHB cũng là những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản ở mức cao với 23,66% tổng dư nợ cho vay.
Hai ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ thấp nhất theo khảo sát của Mekong ASEAN tại 13 ngân hàng là VIB và LPBank khi lần lượt chỉ chiếm 1,76% và 3,06% tổng dư nợ vay của từng ngân hàng.
Ngoài ra, PGBank, TPBank, MBBank và MSB cũng là những ngân hàng ghi nhận tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản tương đối thấp, dưới 10%.
Chia sẻ tại Hội nghị Chính phủ với địa phương về tăng trưởng kinh tế ngày 21/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay 3,48 triệu tỷ đồng nhưng rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Nếu tháo gỡ sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, sẽ lưu thông dòng tiền, hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng.
Đối với tín dụng nhà ở, Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đánh giá nhu cầu sở hữu nhà ở, thuê hoặc thuê mua để có các giải pháp phù hợp.
"Chúng tôi cũng sẽ tập trung cấp tín dụng đối với người dân có thu nhập thấp có nhu cầu mua, sở hữu nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng," Thống đốc khẳng định.
Kiều Chinh