Không thực hiện sẽ bị xử phạt
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, quy định về sinh trắc học với giao dịch chuyển khoản ngân hàng tại Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về giải pháp an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến. Theo đó, giao dịch trực tuyến từ 1/7/2024 từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày trở lên phải sinh trắc học.
"Quyết định này quy định từ lâu nhưng đến hiện tại ngân hàng nào không thực hiện là đang vi phạm và không thể biện lý do nào khác. Ngân hàng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải chấp hành những quy định của nước sở tại", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết, sau Quyết định 2345 và hàng loạt các Thông tư 17,18 về giao dịch trực tuyến, thẻ mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 50 về an toàn bảo mật cho việc cung cấp trực tuyến cho ngành ngân hàng. Theo đó, với các ngân hàng không thực hiện bảo mật an toàn về sinh trắc học sẽ bị xử phạt theo Nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Nhiều ngân hàng nội đã hoàn thành xong việc cài đặt để xác nhận sinh trắc học cho khách hàng nhưng một số ngân hàng ngoại lại chưa thực hiện.
Theo ông Tuấn, nếu ngân hàng nước ngoài không đáp ứng được yêu cầu về sinh trắc học buộc phải ngưng cung cấp dịch vụ cho khách hàng đến khi thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, báo Tiền Phong đưa thông tin, 2 ngân hàng nước ngoài HSBC và UOB chưa thực hiện cài sinh trắc học cho khách hàng khi giao dịch chuyển khoản trực tuyến. Trong khi đó, tất cả các ngân hàng nội và nhiều ngân hàng ngoại khác đã và đang thực hiện những quy định của Ngân hàng Nhà nước về sinh trắc học.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay có khoảng 80% tài khoản thẻ, tài khoản thanh toán của khách hàng trong hệ thống ngân hàng đã được xác thực sinh trắc học. Tính đến ngày 20/12/2024, ngành Ngân hàng đã có trên 84,5 triệu khách hàng đăng ký sử dụng tài khoản online, trong đó có 61,5 triệu khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học.
Thêm lớp bảo vệ tài khoản
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cả nước hiện có trên 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động. Thanh toán, chuyển tiền qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 87,08%.
Ông Tuấn cho biết, sau Quyết định 2345, số vụ gian lận giảm mạnh, số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo cũng giảm. Điều này cho thấy tác động tích cực của quyết định này góp phần hạn chế lừa đảo, gian lận trên môi trường Internet.
Tại một hội thảo liên quan đến an toàn tài khoản cho khách hàng mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Quyết định 2345 giải quyết hai vấn đề quan trọng là chấm dứt việc mở tài khoản bằng giấy tờ giả và loại bỏ tài khoản mở bằng giấy tờ thật nhưng không phải chính chủ. Việc yêu cầu xác thực sinh trắc học để đảm bảo tài khoản đúng với căn cước công dân do Bộ Công an cấp.
“Đây là một chiến dịch lớn, cần thiết phải triển khai để làm sạch tài khoản và bảo vệ khách hàng an toàn hơn,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Các chuyên gia về an ninh mạng nhận định, đăng ký và chuyển tiền với xác thực sinh trắc học bằng căn cước công dân gắn chip sẽ không có nhiều tài khoản ngân hàng ảo. Hơn nữa, cơ quan chức năng đã có căn cứ để truy vết tội phạm, thu hồi dòng tiền bất hợp pháp bởi những giao dịch lừa đảo chuyển khoản thành công với số tiền lớn.
Ngọc Mai