Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh bơm thanh khoản

Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh bơm thanh khoản
5 giờ trướcBài gốc
Trong phiên giao dịch ngày 4/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng lượng chào thầu trên kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) lên 20.000 tỷ đồng ở mỗi kỳ hạn bảy ngày và 14 ngày với cùng mức lãi suất 4%.
Theo đó, đã có hơn 30.200 tỷ đồng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn, ở chiều ngược lại có 9.250 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN đã bơm ròng hơn 21.000 tỷ đồng qua kênh OMO.
Trên kênh tín phiếu, NHNN đã ghi nhận 900 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu kỳ hạn bảy ngày và có 4.550 tỷ đồng đáo hạn. Qua đó, NHNN đã bơm ròng 3.650 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng.
Tổng cộng trên cả hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN bơm ròng gần 24.700 tỷ đồng ra thị trường phiên hôm qua.
Tính đến cuối phiên 4/2, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường là hơn 24.000 tỷ đồng và lượng OMO lưu hành là hơn 163.500 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đang ở trạng thái bơm ròng 139.450 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng, mức cao nhất kể từ tháng 2/2019.
Việc NHNN bơm thanh khoản hỗ trợ hệ thống ngân hàng là diễn biến thường thấy trong giai đoạn trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do nhu cầu thanh toán, chi trả của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh trong thời gian này.
NHNN bơm ròng kỷ lục trong nhiều năm. Ảnh: Wichart
Trước đó, trong tuần 20/1 đến 24/1, tuần cuối cùng của năm Giáp Thìn, NHNN đã bơm ròng ra thị trường gần 130.000 tỷ đồng trong bối cảnh chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ (DXY) suy giảm.
Việc NHNN sử dụng đồng thời hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN luôn sẵn sàng cung ứng ngoại tệ cho thị trường khi cần thiết. Ngay từ đầu năm 2025, NHNN đã cung cấp các hợp đồng kỳ hạn (có kèm quyền chọn hủy) tại cùng mức tỷ giá 25.450 đồng giúp hạ nhiệt mức tỷ giá liên ngân hàng.
Trong phiên sáng ngày 5/2, DXY cũng đã giảm về dưới mốc 108 sau những thông tin về việc trì hoãn áp thuế của Mỹ đối với các quốc gia như Canada hay Mexico. Sự suy giảm của DXY giúp áp lực tỷ giá giảm bớt trong ngắn hạn.
Nhận định về tỷ giá, theo phòng phân tích của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), với bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và nhiều quốc gia leo thang nghiêm trọng vào tuần trước, thị trường sẽ theo dõi phản ứng đáp trả của các quốc gia có liên quan trong tuần này, đặc biệt là từ Trung Quốc.
ACB dự báo áp lực tăng đối với tỷ giá USD/VND có thể xuất hiện trở lại trong tuần này, với mục tiêu có thể hướng đến mức 25.400 trong nửa đầu tháng 2.
Chia sẻ quan điểm trong trung hạn, công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định chính sách tiền tệ Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn so với dự kiến dưới áp lực của đồng USD mạnh lên và rủi ro về việc Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ.
Trong kịch bản đó, NHNN có thể sẽ cần áp dụng một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, đồng nghĩa với việc dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có thể bị hạn chế.
MBS không kỳ vọng sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025. Nhóm phân tích dự báo tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD trong quý I/2025.
Các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.
Dũng Phạm
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/ngan-hang-nha-nuoc-day-manh-bom-thanh-khoan-d38902.html