Cử tri Bình Dương phản ánh hiện nay việc lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều cá nhân bị các đối tượng giả danh hù dọa, lừa đảo để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Cử tri đề nghị ngành ngân hàng tăng cường các giải pháp để bảo vệ tài khoản của khách hàng.
Trả lời về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tội phạm công nghệ cao trong hoạt động thanh toán ngày càng tinh vi và phức tạp; việc ngăn ngừa tình trạng lợi dụng hoạt động thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp thuộc chức năng quản lý của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, do đó, đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan để quản lý, xử lý hiệu quả.
(Ảnh minh họa)
Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, NHNN thường xuyên rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán, trong đó, đã bổ sung quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động thanh toán; sửa đổi, bổ sung quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán (TKTT), thẻ ngân hàng, Ví điện tử theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng mở và sử dụng TKTT, thẻ ngân hàng, Ví điện tử và bổ sung quy định về đảm bảo an toàn bảo mật trong mở và sử dụng TKTT, thẻ ngân hàng, Ví điện tử…
Theo yêu cầu của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), trung gian thanh toán (TGTT) phải triển khai xác thực sinh trắc học khách hàng cá nhân (qua dữ liệu căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID) cho các giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc khi tổng giá trị giao dịch trong ngày lớn hơn 20 triệu đồng hoặc khi thay đổi thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking. Việc triển khai xác thực sinh trắc học trong các giao dịch ngân hàng góp phần bảo đảm các giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện bởi chính chủ tài khoản, qua đó sẽ nâng cao an ninh, an toàn, bảo mật cho các giao dịch thanh toán trực tuyến, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo trong giao dịch thanh toán trực tuyến.
Đặc biệt, để tạo hành lang pháp lý vững chắc và góp phần tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật đối với hoạt động thanh toán trực tuyến, hạn chế việc lợi dụng cho hoạt động bất hợp pháp, NHNN đã ban hành Thông tư số 50/2024/TT-NHNN ngày 31/10/2024 quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến cho ngành Ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), với các biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ khách hàng khi giao dịch trên môi trường mạng.
Cụ thể, triển khai giải pháp đối khớp thông tin sinh trắc học theo các tiêu chuẩn quốc tế bảo đảm xác định chính xác chủ thể thực hiện giao dịch, có tính năng phát hiện các hành vi giả mạo dấu hiệu sinh trắc học của vật thể sống (Liveness Detection) để phòng chống gian lận, giả mạo khách hàng qua hình ảnh (ảnh tĩnh, ảnh động), video, mặt nạ 3D và các hình ảnh, video tạo bởi công nghệ Deepfake.
Triển khai các giải pháp nhằm phòng, chống, phát hiện các hành vi can thiệp trái phép vào ứng dụng Mobile Banking đã cài đặt trong thiết bị di động của khách hàng.
Quy định về việc TCTD, TGTT không gửi tin nhắn SMS, thư điện tử cho khách hàng có nội dung chứa đường dẫn liên kết (Hyperlink) truy cập các trang tin điện tử, trừ trường hợp theo yêu cầu của khách hàng. Khách hàng chỉ cần nhận được bất cứ tin nhắn SMS, thư điện tử có nội dung chứa đường dẫn liên kết thì có thể xác định ngay là tin nhắn, thư điện tử giả mạo.
NHNN chủ động theo dõi để cảnh báo tới các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, các thủ đoạn lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán và các hành vi bị cấm. Chỉ đạo các đơn vị trong Ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho toàn thể cán bộ ngân hàng và khách hàng. Thường xuyên có khuyến nghị, cảnh báo đăng trên Cổng thông tin điện tử của NHNN; Phối hợp với các cơ quan báo trí, truyền hình tổ chức các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử để tránh bị rủi ro lừa đảo, mất tiền trong tài khoản.
Cùng vơi đó, triển khai Hệ thống giám sát các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, giả mạo (SIMO), cho phép các tổ chức thành viên tham gia thực hiện báo cáo thông tin về các tài khoản đáng ngờ khi phát hiện và chia sẻ thông tin tới các thành viên khác. Trên cơ sở nguồn dữ liệu tập trung của hệ thống SIMO, các TCTD có thể đưa ra các quyết định thực hiện ngăn chặn giao dịch ngay lập tức hoặc yêu cầu xác thực, định danh tài khoản trước thực hiện giao dịch trực tuyến.
NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD, tăng cường phòng, chống, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán, trong đó có nội dung yêu cầu kiểm tra, đối chiếu đảm bảo việc sử dụng TKTT được thực hiện bởi chính chủ TKTT hoặc người được ủy quyền hợp pháp như định kỳ áp dụng các biện pháp để kiểm tra, xác minh đảm bảo chủ TKTT là chủ số thuê bao di động đã đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking, dịch vụ Internet/Mobile Banking. Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động ngân hàng; trong đó có nội dung xây dựng kế hoạch làm sạch dữ liệu khách hàng cá nhân thông qua đối chiếu, xác thực dữ liệu khách hàng với nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC), dữ liệu CCCD góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ giả mạo giấy tờ tùy thân để mở TKTT.
Ngoài ra, NHNN cũng phối hợp với Bộ Công an kết nối, khai thác CSDLQGvDC làm sạch dữ liệu khách hàng và xác minh thông tin nhận biết khách hàng góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo giấy tờ tùy thân để mở TKTT, thẻ ngân hàng, Ví điện tử. Thực hiện kiểm tra hoạt động mở, sử dụng TKTT, thẻ ngân hàng tại một số ngân hàng và hoạt động mở, sử dụng ví điện tử tại một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…
Huyền Châu