Trong đó, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và sửa đổi khung pháp lý hiện hành để ổn định thị trường, hạn chế rủi ro lan sang các lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường vàng trong nước thời gian qua chưa đạt được sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động mạnh từ tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư. Những yếu tố này không chỉ khiến giá vàng biến động bất thường mà còn có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chung của thị trường tài chính quốc gia.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Quá trình sửa đổi sẽ được thực hiện theo thủ tục rút gọn nhằm rút ngắn thời gian ban hành, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn để kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và các chủ thể liên quan khác. Mục tiêu là phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt trong bối cảnh chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức cao.
Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ Công an, Công Thương, Tài chính để tăng cường thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng
Giá vàng trong nước hiện ghi nhận quanh mức 117,8-119,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cao hơn giá thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng tùy thời điểm. Khoảng cách lớn này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đầu cơ, thao túng thị trường, nhất là khi các kênh phân phối vàng không được kiểm soát chặt chẽ.
Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành thanh tra các doanh nghiệp và ngân hàng lớn trong lĩnh vực vàng, gồm SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, cùng hai ngân hàng thương mại là TPBank và Eximbank. Đây là những tổ chức có vai trò lớn trong hoạt động kinh doanh và lưu thông vàng miếng trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, kết luận thanh tra vẫn chưa được công bố chính thức.
Bên cạnh việc thanh tra, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin đến người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiểu biết và giảm thiểu các phản ứng mang tính cảm tính, dẫn đến biến động giá không cần thiết.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành thị trường vàng không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành ngân hàng mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.
Cuối năm 2024, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới được kiểm soát và duy trì ở biên độ phù hợp, từ mức chênh lệch khoảng 25% tại thời điểm cao nhất xuống còn khoảng 3-5 triệu đồng một lượng (tương đương 5-7%).
Sang đầu năm nay, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỷ lục trước đó. Nguyên nhân, theo Ngân hàng Nhà nước, chủ yếu do bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên toàn cầu khiến giá vàng thế giới nhảy vọt. Nhiều ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá kim loại này tăng.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới cũng tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng.
Vĩnh Tế