Sáng ngày 14/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, NHNN cho biết tín dụng tăng trưởng đã tạo đà mạnh mẽ cho nền kinh tế hồi phục và phát triển trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Tính đến tháng 12 năm 2024, tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực ưu tiên như nhà ở xã hội, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, công nghệ cao. Chính sách này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro nợ xấu mà còn tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: "NHNN cũng liên tục theo dõi sát sao tình hình tín dụng để đảm bảo việc tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, góp phần tạo động lực cho nền kinh tế, đồng thời hạn chế rủi ro phát sinh. Những giải pháp đồng bộ này đã giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp vào hệ thống tài chính của Việt Nam".
Theo nhận xét của NHNN, với đà tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục và tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô. Các chính sách tín dụng sẽ tiếp tục được điều chỉnh linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành kinh tế quan trọng, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh kết thúc năm 2024, ngành ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Lạm phát bình quân 11 tháng được kiểm soát ở mức 3,69%; Mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với cuối năm 2023; Tỷ giá cơ bản ổn định...
Với thị trường vàng, nhờ các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Năm 2024, hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện. NHNN đã và đang tiến hành xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD 2024 để đảm bảo thực hiện đồng bộ với các quy định của Luật Các TCTD 2024.
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN đã đạt bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém. Trong năm 2024, hai trong số bốn ngân hàng 0 đồng đã được chuyển giao bắt buộc. Hai ngân hàng còn lại đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm phê duyệt trong năm 2024. “Việc này đánh dấu một giai đoạn chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan”, Thống đốc nhấn mạnh.
Nhìn nhận về hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng (VNBA), cho biết, hoạt động của các TCTD đạt nhiều kết quả tích cực, điều đó được thể hiện qua nâng cao năng lực về quản trị, tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, chất lượng tín dụng... tiếp tục được tăng cường. Đến nay, vốn điều lệ toàn hệ thống tiếp tục tăng cao hơn so với cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt ngưỡng 12,01%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới 30 %, tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi đạt khoảng 80%. Bên cạnh đó, các ngân hàng có vốn Nhà nước được tăng vốn điều lệ đủ để bảo đảm an toàn và đầu tư tín dụng cho nền kinh tế.
Các TCTD cũng tập trung nguồn lực chuyển đổi số mạnh mẽ, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng ngày đạt kỷ lục trên 26,2 triệu giao dịch với giá trị trên 166.000 nghìn tỷ đồng, thanh toán QR tăng trưởng trên 200% về số lượng và giá trị so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, đại diện VNBA cho rằng các TCTD phải đối diện với nợ xấu tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, TCTD không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ… làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng.
Các TCTD phải đối diện với tình trạng tấn công mạng, lộ, lọt thông tin dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng táo bạo, tinh vi, đối tượng tội phạm có hiểu biết về công nghệ thông tin và hệ thống ngân hàng, thường xuyên thay đổi thủ đoạn, mặc dù tỷ lệ phạm tội có giảm đối với tài khoản cá nhân, song vẫn xuất hiện lừa đảo thông qua tài khoản doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất Chính phủ cho tiếp tục luật hóa những nội dung quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ cũng như mua bán và xử lý nợ xấu; Thúc đẩy thị trường vốn phát triển lành mạnh…
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, năm 2025 sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh…
“Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chuẩn bị cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. NHNN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa nhóm giải pháp để đạt các mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới”, Thống đốc khẳng định.
Thanh Hoa