Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay,... để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục chủ động thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có) trên trang thông tin điện tử của TCTD.
Tích cực chủ động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng về việc giảm lãi suất cho vay, công bố thông tin về lãi suất; đồng thời, thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng nắm bắt và tiếp cận chính sách của TCTD.
Các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt các TCTD trên địa bàn duy trì ổn định lãi suất tiền gửi và triển khai các biện pháp để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động công bố thông tin về lãi suất cho vay, chương trình tín dụng có ưu đãi lãi suất cho vay (nếu có) đến khách hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo dõi sát diễn biến lãi suất trên địa bàn; chỉ đạo giám sát các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn trong việc triển khai chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Tăng cường truyền thông để TCTD tích cực triển khai và để người dân, doanh nghiệp nắm bắt và tiếp cận rõ ràng, đầy đủ, minh bạch.
Dương Ngọc