Ngày 18/4, tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, các tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua đã rất tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng.
Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới, trong khi hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ), xử lý nợ xấu còn bất cập, thiếu đồng bộ và thống nhất, dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng khoảng 34.000 tỷ đồng, trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các TCTD trích dự phòng rủi ro để xử lý.
Nợ xấu trong những tháng đầu năm 2025 đã tăng khoảng 34.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024.
Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 12/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD ở mức 5,36% so với tổng dư nợ (bao gồm cả nợ xấu của 5 ngân hàng tái cấu trúc). Nếu loại trừ 5 ngân hàng tái cấu trúc thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,93%, tăng khoảng 0,2% so với năm 2023.
Năm 2024, tỷ lệ thu hồi nợ chủ yếu liên quan đến TSBĐ chiếm khoảng 46,6%. Tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ các ngân hàng với khoản nợ xấu chỉ chiếm 36%; còn lại nợ bán cho VAMC, nợ thi hành án thông qua bán TSBĐ chiếm tỷ lệ rất thấp, đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.
Trong khi nợ xấu tăng nhanh, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu hết hiệu lực, các ngân hàng rất băn khoăn khi không thể thu hồi được nợ, nhưng Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 không quy định về thu giữ TSBĐ trong quá trình xử lý nợ xấu của TCTD. Do đó, các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn về xử lý nợ xấu.
Hiện nay, nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc các TCTD trích từ dự phòng rủi ro, khoảng 48%. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các TCTD, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp, dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản, nếu không xử lý kịp thời.
Do đó, ông Hùng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2024 không chỉ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ, mà là tiếng chuông cảnh tỉnh để người đi vay phải có ý thức và trách nhiệm trả nợ, xóa bỏ tư duy tìm mọi cách không trả nợ, tìm mọi cách để không bàn giao tài sản.
Từ thực tiễn của ngân hàng, bà Nguyễn Thu Lan, Phó chủ tịch HĐQT Techcombank chia sẻ, người dân gửi hàng triệu tỷ đồng vào ngân hàng và trách nhiệm của ngân hàng là phải quản lý. Ngân hàng làm không đúng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và không phải muốn làm gì thì làm. Trong quá trình thực hiện thu hồi nợ xấu đều được làm rất cẩn trọng, bởi tất cả các ngân hàng đều biết bất kỳ một sai sót nào liên quan đến bán đấu giá tài sản, thu hồi nợ… sẽ mang đến hậu quả rất lớn. Còn trong trường hợp khách hàng có khả năng hoàn trả nợ, thì ngân hàng đều hỗ trợ bằng được để khách hàng trả nợ.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng, một điều đáng tiếc là Luật Các TCTD năm 2024 đã không luật hóa một số quy định trong Nghị quyết 42 như quyền thu giữ TSBĐ…, ảnh hưởng tới khả năng xử lý nợ xấu của các TCTD. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Các TCTD lần này là nhằm lấp khoảng trống pháp lý; quy định rõ các điểm còn chưa rõ ràng; đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các luật có liên quan.
“Quan trọng hơn là tháo gỡ vướng mắc, rào cản, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả, chất lượng pháp luật và đúng tinh thần của Tổng Bí thư, Thủ tướng, Quốc hội chỉ đạo, nhất là trong bối cảnh nợ xấu gia tăng…”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Do đó, ông Lực đã góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi một số vấn đề như về quyền thu giữ TSBĐ của TCTD; cơ chế xử lý TSBĐ là vật chứng, tang chứng vụ án; xử lý TSBĐ là quyền khai thác khoáng sản...
Từ những bất cập trên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng đã tổng hợp 3 nội dung chính gồm: luật hóa quy định về quyền thu giữ TSBĐ; luật hóa quy định về kê biên TSBĐ của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả TSBĐ là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để đưa vào dự thảo lần này để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Thanh Hoa