Đã trình phương án xử lý lô trái phiếu liên quan đến ông Trầm Bê
Ngày 25/04 vừa qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2024. Tại Đại hội, ban lãnh đạo Ngân hàng đã dành nhiều thời gian thông tin đến cổ đông về triển vọng kinh doanh, tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sát nhập, và vấn đề cổ tức.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank phát biểu tại Đại hội.
Cụ thể, báo cáo tại Đại hội, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết, trong năm 2024, ngân hàng đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng giá trị nợ xấu đã xử lý lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án tái cơ cấu là 76.695 tỷ đồng. Các khoản tồn đọng thuộc đề án giảm 80,5% về quy mô và giảm 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện còn chiếm 2,4% tổng tài sản.
Trong đó, đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Ngân hàng Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Ngân hàng đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi đầy đủ trong năm 2026.
Đối với các khoản nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, Ngân hàng Sacombank đã trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, Ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý 2/2022.
Cũng trong năm qua, Ngân hàng Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro; trong đó xử lý rủi ro tín dụng là 756 tỷ đồng và xử lý trái phiếu VAMC là 1.305 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng.
“Tính đến thời điểm hiện tại, Sacombank chỉ còn nút thắt cuối cùng là chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án xử lý lô cổ phiếu STB theo Đề án tái cơ cấu. Năm 2025, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra và quyết tâm đẩy mạnh tiến trình làm việc với Ngân hàng Nhà nước để chính thức công bố hoàn tất Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm nói.
Đoàn chủ tọa điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2024 của Ngân hàng Sacombank.
Tại Đại hội, HĐQT Ngân hàng Sacombank đã trình cổ đông xem xét và thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm 2024; tổng tài sản tăng 10%, đạt 819.800 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 14%, đạt 614.400 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 2%; và nguồn vốn huy động dự kiến tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank cũng cho biết, trong quý 1/2025, huy động từ thị trường cấp 1 (huy động vốn từ dân cư, tổ chức) của Ngân hàng đã tăng trưởng 3,3%, đạt 33% kế hoạch đề ra; cho vay tăng trưởng 4,7%, đạt 33% mục tiêu. Tỷ lệ nợ xấu nhích tăng nhẹ 0,2% lên 2,2%, chủ yếu do khách hàng bị ảnh hưởng bởi khó khăn của nền kinh tế và thị trường bất động sản chưa phục hồi. Qua đó, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 3.674 tỷ đồng.
Lên kế hoạch chia cổ tức, mở rộng hệ sinh thái
Tại Đại hội, cổ đông Ngân hàng Sacombank đã thống nhất thông qua định hướng chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, nhằm mục tiêu tăng vốn điều lệ sau 10 năm duy trì ở mức 18.852 tỷ đồng. Đây là nội dung được HĐQT Ngân hàng cập nhật chỉ ít ngày trước khi Đại hội chính thức diễn ra.
Ban lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cho biết, đây là năm đầu tiên sau 9 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông trong bối cảnh ngân hàng gặt hái được nhiều thành quả tích cực.
Hơn 1.000 cổ đông đã tham dự Đại hội của Ngân hàng Sacombank.
Cũng theo ban lãnh đạo Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng sẽ dồn lực xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, kéo giảm về dưới 3% trong năm nay. Đây sẽ là cơ sở trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt việc Ngân hàng hoàn thành Đề án tái cơ cấu. Đồng thời, thực hiện các thủ tục chia cổ tức cho có đông từ nguồn lợi nhuận giữ lại nhằm tăng năng lực tài chính.
HĐQT Ngân hàng Sacombank cũng trình cổ đông xem xét và thông qua phương án dự kiến đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng để góp vốn hoặc mua cổ phần tại một công ty chứng khoán, với tỷ lệ sở hữu vượt 50%, đưa công ty chứng khoán trở thành công ty con của Ngân hàng, nhằm mở rộng hệ sinh thái và đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính toàn diện của khách hàng.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm thông tin thêm: “Ngân hàng đã có công ty chứng khoán từ mấy chục năm trước, nhân sự của Sacombank đã có kinh nghiệm và chúng tôi sẽ tuyển dụng thêm trên thị trường. Chúng tôi sẽ đi đúng lộ trình, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án”.
Cũng theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank thì Ngân hàng không có ý định mua cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán SBS mà sẽ chọn một công ty chứng khoán mới, phù hơp, có đủ tiêu chí mà Ngân hàng đề ra.
Kết thúc Đại hội, toàn bộ các tờ trình của HĐQT Ngân hàng Sacombank đã được cổ đông thông qua.
Lan Anh