Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Đỗ Minh Phú phát biểu tại Hội nghị
Một trong các mục tiêu mà Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú đề cập nhằm thúc đẩy tăng trưởng đó là cấp tín dụng cho các dự án BOT để xây dựng hạ tầng.
Theo ông Phú, đây là vấn đề không hề dễ dàng. Bởi vì việc cho vay trong thời hạn khá dài, việc thu hồi nợ chủ yếu dựa trên dòng tiền. Tuy nhiên, TPBank đã tham gia dự án BOT ngay từ những dự án đầu tiên như Cao Lâm – Vĩnh Hảo, sau này là Hữu Nghị - Chi Lăng.
Trong năm 2024, TPBank đã giảm khoảng 1.900 tỷ đồng cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỷ để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Ở dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, ngay từ đầu đã phê duyệt với phương án vốn nhà nước là 49,3%, còn lại là vốn nhà đầu tư và vốn huy động. Nhà đầu tư là Đèo Cả là một tập đoàn rất quyết tâm và có nhiều năng lực triển khai, do đó, TPBank thấy rằng đây là một dự án cần tiếp sức. Sau đó TPBank đã chủ động làm việc với Đèo Cả, cấp vốn lên đến 2.500 tỷ và nhận giải ngân ngay trong tuần này.
Đến thời điểm này TPBank đã cho vay cho các dự án BOT là 7.897 tỷ đồng, không phải chỉ Hữu Nghị Chi Lăng, mà còn các dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án đường ven biển Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng và các dự án của tỉnh Long An – đường 830.
"Như vậy có thể nói rằng chúng tôi được tham gia vào dự án BOT là một lĩnh vực khá khó nhưng với tinh thần quyết tâm góp phần cùng đất nước giải quyết được 3 đột phá, trong đó có đột phá quan trọng là hạ tầng thì TPBank đã rất cố gắng tham gia" – ông Đỗ Minh Phú báo cáo với Thủ tướng và hội nghị.
Tại hội nghị, ông Đỗ Minh Phú đưa ra một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến giải ngân vốn cho dự án BOT.
Theo đó, tại thời điểm này, một số dự án đang gặp khó khăn. Với dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Thủ tướng đã cho phép điều chỉnh vốn công lên 70%. Còn với Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, tại thời điểm này chưa giải quyết được mặc dù ngân hàng rất chủ động giải ngân ngay.
Ông Phú đề xuất, nếu được đồng ý nâng vốn công của dự án Hữu Nghị - Chi Lăng lên 70%, chắc chắn là nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn và ngân hàng cũng thấy rằng việc đồng hành đảm bảo hơn trong việc thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, ngân hàng phải sử dụng vốn tín dụng khá lớn cho các dự án BOT. Vì vậy, Chủ tịch TPBank đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét đối với ngân hàng có tham gia cấp tín dụng cho các dự án BOT thì có thể cho phép được sử dụng vốn, không tính vào room tín dụng để các ngân hàng yên tâm đưa dòng vốn vào các dự án trọng điểm cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ góp phần thúc đẩy các trụ cột đột phá tăng trưởng cho nền kinh tế.
Chủ tịch TPBank tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đồng thời nền kinh tế đã có bước vào một giai đoạn hồi phục thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% là hoàn toàn khả thi; cũng như qua đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
THU THẢO