Trong báo cáo với chủ đề "Việt Nam 2045 nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi" phát hành mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, hội nhập thương mại ở Việt Nam đến nay chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài thúc đẩy. Tương lai cần tập trung tăng cường kết nối và hiệu lực lan tỏa về năng suất từ doanh nghiệp xuất khẩu sang các thành phần còn lại trong nền kinh tế.
Điều này sẽ đem lại tác động rất tích cực về tăng trưởng năng suất đồng thời khiến cho các chuỗi cung ứng được ăn sâu bén rễ vào nền kinh tế trong nước.
Hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài đóng góp 73% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, hầu hết doanh nghiệp trong nước có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực không có khả năng giao dịch thương mại, như các lĩnh vực dịch vụ truyền thống, xây dựng hoặc bất động sản, chưa có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, trực tiếp hoặc gián tiếp với tư cách là nhà cung cấp.
Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2023, chỉ có 18% doanh nghiệp có kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), giảm 17 điểm % so với năm 2009. Chính vì vậy, Việt Nam mới chỉ thu về một tỉ lệ nhỏ trong tổng giá trị hàng xuất khẩu.
"Chính sách chuyển sang hội nhập các chuỗi giá trị trong nước nên chú trọng củng cố môi trường kinh doanh, cải thiện kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cần triển khai cơ chế tài chính cho chuỗi giá trị, và thiết lập chương trình phát triển các nhà cung cấp.
Việt Nam cần tiếp tục vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị, nhằm chuyển sang các dịch vụ và chế tạo chế biến mang lại giá trị gia tăng cao hơn, qua cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo" - Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.
PHƯƠNG MINH