NHNN làm việc với các bộ, ngành và 4 ngân hàng thương mại nhà nước để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số. Ảnh: NHNN
Chiều 24/4, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN tổ chức buổi làm việc với các bộ, ngành và 4 ngân hàng thương mại nhà nước để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số.
Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, đây là giai đoạn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho đầu tư phát triển trước yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, hướng tới GDP tăng trưởng 2 con số.
Trước tình hình trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. “Đây là bài toán khó khăn trong bối cảnh nhiều gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai, có chương trình được giải ngân rất tốt nhưng cũng vẫn còn gói tín dụng bị vướng mắc bởi một số yếu tố như không đáp ứng điều kiện vay vốn…” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc, phía các ngân hàng đã cam kết tham gia, cơ bản đã đủ 500.000 tỷ đồng và có nhiều ưu đãi dành cho các dự án, đơn cử như về lãi suất ưu đãi, về việc cho vay trung, dài hạn.
Thực tế, vốn ngân hàng có bản chất là vốn ngắn hạn. Hiện nay, để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang ngày càng giảm dần. Điều này cũng nhằm đáp ứng các chuẩn mực an toàn quốc tế như Basel II, Basel III. Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng có nhiều quy định liên quan đến đảm bảo an toàn hoạt động của các ngân hàng trong vấn đề cho vay.
“Vì vậy, việc cho vay trung và dài hạn cũng chính là một ưu đãi từ phía ngân hàng. Các ngân hàng cũng có trách nhiệm đồng thuận tham gia gói tín dụng này” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc, ngành ngân hàng đã và đang sẵn sàng triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để gói tín dụng này đi vào cuộc sống, Phó Thống đốc cho rằng các bộ, ngành cần có kế hoạch, định hướng về nhu cầu vốn cho các dự án trong từng giai đoạn, nhu cầu vốn từ ngân sách, vốn từ ngân hàng… Từ đó, ngành ngân hàng cũng chủ động trong việc chuẩn bị nguồn vốn để cho vay.
NHNN cũng đã có văn bản đến 3 đơn vị là Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ để phối hợp trong việc xây dựng gói vay ưu đãi này thật sự hiệu quả. Chính vì vậy, Phó Thống đốc Đào Minh Tú mong muốn các bộ, ngành sẽ quan tâm, cùng NHNN trong vấn đề này.
Đồng thời, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định sẽ xây dựng gói tín dụng ưu đãi rõ ràng, xuất phát từ nhu cầu thực tế. “Sự kết hợp đồng bộ của tất cả các bên mới có thể đảm bảo gói tín dụng được xây dựng hiệu quả, đi vào cuộc sống một cách thực chất” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Theo ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, việc điều chỉnh các quy định theo hướng hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại tham gia dự án này sẽ được cụ thể hóa trong các thông tư, hướng dẫn của NHNN trong thời gian tới.
Để góp phần giúp gói tín dụng đi vào đời sống một cách hiệu quả, ông Tô Huy Vũ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - đề xuất một số giải pháp triển khai. Đơn cử như cần có kế hoạch vốn của nền kinh tế trong từng giai đoạn để các ngân hàng cân đối cho vay. Đối với việc xác định lãi ưu đãi của gói vay, cân nhắc đến một số yếu tố như lạm phát tăng cao, tạo áp lực lãi suất, tỷ giá tăng
Đại diện các bộ, ngành cho biết sẽ báo cáo lại với các cấp lãnh đạo để sớm đưa ra kế hoạch, định hướng về nhu cầu vốn cho các dự án trong từng giai đoạn, nhu cầu vốn từ ngân sách, vốn từ ngân hàng… để phối hợp tốt ngành ngân hàng trong việc chủ động chuẩn bị nguồn vốn cho vay./.
ĐỨC THÀNH