Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), mức lạm phát của khu vực đồng euro trong tháng 6 đã đạt mục tiêu 2%, cho thấy những nỗ lực kiểm soát giá cả suốt thời gian qua đã mang lại kết quả. Tuy nhiên, các quan chức ECB vẫn duy trì thái độ thận trọng. Kinh tế trưởng Philip Lane nhấn mạnh triển vọng trung hạn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, đặc biệt liên quan đến chính sách thương mại quốc tế và chi tiêu tiêu dùng.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu trong một cuộc họp báo ở Đức. Ảnh: TTXVN
Một trong những yếu tố lớn nhất tác động đến quyết định lần này là tiến trình đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ. Theo Reuters, hai bên đã tiến gần tới một thỏa thuận, với đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu từ 30% xuống còn 15%, nhưng vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào được đưa ra. Điều này khiến giới đầu tư và hoạch định chính sách chưa thể đánh giá đầy đủ tác động đến tăng trưởng.
Năm 2024, EU xuất khẩu khoảng 503 tỷ euro hàng hóa sang Mỹ - đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của khối. Vì vậy, những thay đổi về thuế nhập khẩu có thể ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất - xuất khẩu, nhất là với các lĩnh vực công nghiệp chủ lực.
Trước bối cảnh này, nhiều chuyên gia nhận định ECB sẽ không vội điều chỉnh lãi suất thêm, mà có thể chờ đến tháng 9, thời điểm công bố các dự báo tăng trưởng và lạm phát mới để đưa ra quyết định tiếp theo.
Ngọc Nga