Ngân hàng trung ương toàn cầu đối mặt bài toán phá giá nội tệ khi USD suy yếu

Ngân hàng trung ương toàn cầu đối mặt bài toán phá giá nội tệ khi USD suy yếu
7 giờ trướcBài gốc
Đồng USD. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNBC (Mỹ), sự mơ hồ trong chính sách Mỹ đã khiến nhà đầu tư rời xa đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ trong vài tuần qua, khiến chỉ số USD giảm hơn 9% tính từ đầu năm cho đến nay. Các chuyên gia theo dõi thị trường dự báo rằng đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá.
Theo khảo sát mới nhất của Bank of America, có đến 61% số người tham gia cho rằng giá trị đồng bạc xanh sẽ sụt giảm trong 12 tháng tới, đây là dự đoán bi quan nhất của các nhà đầu tư lớn trong gần 20 năm qua.
Cuộc rút lui hiện tại khỏi tài sản Mỹ phản ánh một khủng hoảng niềm tin diện rộng, kèm theo những hệ lụy như lạm phát nhập khẩu tăng cao khi USD suy yếu. Sự sụt giảm của đồng bạc xanh khiến các đồng tiền khác tăng giá so với nó, đặc biệt là những “kênh trú ẩn an toàn” như yên Nhật, franc Thụy Sĩ và euro.
Từ đầu năm đến nay, đồng yên Nhật đã tăng giá hơn 10% so với USD, trong khi đồng franc Thụy Sĩ và đồng euro tăng khoảng 11%. Ngoài ra, một số đồng tiền khác cũng tăng giá so với đồng bạc xanh trong năm nay bao gồm peso Mexico (tăng 5,5%) và đồng đô la Canada (tăng hơn 4%), đồng zloty Ba Lan đã tăng hơn 9%, còn đồng ruble Nga đã tăng hơn 22%.
Tuy nhiên, một số đồng tiền của các thị trường mới nổi lại giảm giá mặc dù đồng USD yếu đi. Rupiah Indonesia đã giảm xuống mức thấp kỷ lục tính theo đồng USD vào đầu tháng này. Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận mức giá thấp chưa từng có vào tuần trước, trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã chạm mốc thấp kỷ lục so với USD cách đây hai tuần nhưng sau đó có dấu hiệu phục hồi nhẹ.
Dư địa để giảm lãi suất?
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Theo các nhà phân tích, sự suy yếu của đồng USD được cho là niềm an ủi đối với các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn cầu, ngoại trừ một vài trường hợp như Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Chuyên gia phân tích tiền tệ tại ForexLive – ông Adam Button cho biết: “Hầu hết các ngân hàng trung ương đều mong muốn đồng USD giảm từ 10% đến 20%”.
Ông còn nhận định rằng sức mạnh của đồng USD vốn là vấn đề kéo dài nhiều năm và gây khó khăn cho các quốc gia áp dụng chế độ tỷ giá cứng lẫn mềm. Chế độ tỷ giá mềm là chính sách trong đó chính phủ thường cho phép tỷ giá hối đoái được thiết lập bởi thị trường. Chế độ tỷ giá cứng là chính phủ ấn định tỷ giá hối đoái cố định cho đồng nội tệ.
Với nhiều quốc gia thị trường mới nổi có khoản nợ lớn được tính bằng USD, đồng bạc xanh yếu hơn giúp giảm bớt gánh nặng nợ thực tế. Thêm vào đó, USD yếu song song với đồng nội tệ mạnh thường khiến hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn, hạ áp lực lạm phát và từ đó tạo cơ hội cho các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Button nhận định: “Đợt bán tháo USD gần đây mang lại thêm 'dư địa' cho các ngân hàng trung ương trong việc cắt giảm lãi suất”.
Mặc dù đồng nội tệ mạnh hơn có thể giúp kiềm chế lạm phát thông qua hàng nhập khẩu rẻ hơn, nhưng điều này lại gây khó khăn cho khả năng cạnh tranh xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ.
Ông Nick Rees tại Monex Europe, cho rằng việc phá giá đồng nội tệ sẽ là một phương án được cân nhắc ở các thị trường mới nổi, nhất là ở châu Á. Tuy nhiên, những quốc gia thị trường mới nổi và các ngân hàng trung ương châu Á cần phải hành xử cẩn trọng để tránh tình trạng tháo chạy trốn vốn cùng các rủi ro khác.
Ông Wael Makarem tại Exness phân tích: “Các thị trường mới nổi đang phải đối mặt với lạm phát cao, gánh nặng nợ và rủi ro tháo chạy vốn, khiến việc phá giá đồng nội tệ trở nên nguy hiểm”. Ông còn bổ sung rằng, việc phá giá đồng nội tệ có thể khiến chính quyền Mỹ xem như một biện pháp thương mại và dẫn đến các phản ứng trả đũa.
Ông Alex Muscatelli tại Fitch Ratings nhận định rằng các nền kinh tế thị trường mới nổi có thể e dè trong việc cắt giảm lãi suất vì điều đó có thể làm tăng gánh nặng nợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước đã vay bằng USD. Đồng nội tệ yếu hơn cũng có thể thúc đẩy dòng vốn chảy ra do chênh lệch lãi suất thấp hơn so với Mỹ.
Ví dụ, ông Muscatelli cho rằng Ngân hàng Trung ương Indonesia sẽ không cắt giảm lãi suất quá nhiều với biến động của đồng tiền gần đây, nhưng Hàn Quốc và Ấn Độ có thể mang dư địa để hạ lãi suất.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tận dụng thời điểm lạm phát giảm để cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 4. Ngày 17/4, ECB cho biết: “Hầu hết các biện pháp đo lường lạm phát cơ bản đều cho thấy lạm phát sẽ ổn định ở mức mục tiêu trung hạn 2% của Hội đồng điều hành, trên cơ sở bền vững”.
Theo ông Button, một ví dụ khác là Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, vốn đã phải đối mặt với đồng franc mạnh trong phần lớn 15 năm qua. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm hơn 75% GDP của Thụy Sĩ, và đồng franc mạnh khiến hàng hóa Thụy Sĩ đắt đỏ hơn ở nước ngoài.
“Nếu dòng vốn tiếp tục đổ vào, họ có thể phải áp dụng các biện pháp mạnh tay để giảm giá đồng nội tệ”, ông nói. Nhà đầu tư đã đổ xô sang đồng franc trong thời điểm bất ổn, như những tuần gần đây, khiến đồng franc càng thêm mạnh.
Quyết định của các ngân hàng trung ương ở thời điểm này
Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc phá giá đồng tiền có nguy cơ kích thích lạm phát, và các cơ quan tiền tệ sẽ thận trọng khi lạm phát vẫn vượt mục tiêu.
Chuyên gia Brendan McKenna tại ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) nhận định nguy cơ lạm phát tăng do đồng nội tệ mất giá và bởi thuế quan có thể khiến các ngân hàng trung ương ngần ngại theo đuổi con đường phá giá tiền tệ một cách chủ động.
Bên cạnh đó, ông McKenn bổ sung rằng mặc dù hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới về lý thuyết có thể làm yếu đồng tiền của họ, nhưng khả năng này vẫn thấp trong môi trường hiện tại.
Việc một quốc gia có thể phá giá đồng nội tệ hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố: quy mô dự trữ ngoại hối, nợ nước ngoài, cán cân thương mại và mức độ nhạy cảm với lạm phát nhập khẩu.
“Những quốc gia hướng đến xuất khẩu, có dự trữ ngoại hối dồi dào và ít phụ thuộc vào nợ nước ngoài sẽ có nhiều dư địa hơn để phá giá nội tệ. Nhưng chính họ cũng sẽ hành động thận trọng”, ông McKenna đánh giá.
Chiều hướng chung của các cuộc đàm phán thương mại sẽ là yếu tố then chốt tác động đến quyết định của các quốc gia. Ông McKenna lập luận rằng nhiều quốc gia thể hiện sẵn sàng tham gia đàm phán thương mại với Mỹ, và nếu các cuộc đàm phán này dẫn đến giảm thuế, thì các ngân hàng trung ương sẽ ít có xu hướng theo đuổi chính sách phá giá nội tệ.
“Hiện tại, hành động được ưu tiên là tránh một cuộc chiến tiền tệ, vốn chỉ gia tăng bất ổn cho cả nền kinh tế nội địa và toàn cầu”, ông McKenna kết luận.
Hà Linh/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/ngan-hang-trung-uong-toan-cau-doi-mat-bai-toan-pha-gia-noi-te-khi-usd-suy-yeu-20250422181526482.htm