Ngân hàng vẫn là trụ cột, nhưng cơ hội sẽ phân hóa

Ngân hàng vẫn là trụ cột, nhưng cơ hội sẽ phân hóa
16 giờ trướcBài gốc
Năm 2024, nhiều cổ phiếu ngân hàng có mức tăng vượt trội so với VN-Index như LPB, TCB, HDB, CTG, MBB…
Triển vọng tăng trưởng và các “câu chuyện riêng”
Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7,5%, phấn đấu đạt trên 8%. Thống kê nhiều năm cho thấy, tăng trưởng tín dụng thường gấp 2,2 - 2,5 lần tăng trưởng GDP, tương đối phù hợp khi mà ngân hàng vẫn đang là ngành xương sống của nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đầu tư công vẫn là động lực chính và dự kiến sẽ tiếp tục tăng tốc giải ngân trong năm nay. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và tiêu dùng được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn năm 2024. Đặc biệt, kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức, theo đó, vai trò của tín dụng ngân hàng ở mức cao.
Dựa trên các cơ sở trên, nhiều công ty chứng khoán dự báo, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2025 trung bình là 15 - 16%, một số ngân hàng có thể đạt mức tăng trên 20%.
Trên thực tế, năm 2024, nhiều cổ phiếu ngân hàng có mức tăng vượt trội so với VN-Index, có thể kể đến như LPB tăng 113%, TCB 55,6%, HDB tăng 44%, CTG tăng 33,6%, MBB tăng 30%, VAB tăng 29%, STB tăng 24%..., bỏ xa mức tăng của chỉ số chung là 12%.
Việc nắm giữ “trúng” cổ phiếu ngân hàng đã giúp nhiều quỹ đầu tư có hiệu suất tốt, chẳng hạn PYN Elite Fund ghi nhận hiệu suất đầu tư năm 2024 đạt 21,8%. Trong top 5 khoản đầu tư lớn nhất của Quỹ có đến 4 cổ phiếu ngân hàng là STB, MBB, TPB và CTG, với tổng tỷ trọng 46,7%, riêng mã STB chiếm hơn 20% quy mô danh mục.
Trong khi đó, Quỹ VMEEF đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu có triển vọng tốt về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn, trở thành quỹ có hiệu suất lớn nhất thị trường năm qua, đạt hơn 34%. Top 10 danh mục đầu tư lớn của quỹ này là các cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng (ACB, VCB, VIB, MBB), công nghệ thông tin (FOX, FPT), công nghiệp, bảo hiểm và tiêu dùng.
Tương tự, Quỹ SSISCA ghi nhận tỷ suất lợi nhuận 33,49% trong năm 2024, chỉ đứng sau VMEEF. Cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn của quỹ này là các mã đầu ngành như FPT, MWG, HPG và nhóm ngân hàng như ACB, CTG, MBB.
Bước sang năm 2025, nhiều cổ phiếu trên tiếp tục nằm trong Top khuyến nghị đầu tư của các công ty chứng khoán và bổ sung một số cổ phiếu ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng cao, có “chất xúc tác” thu hút dòng tiền như kế hoạch tăng vốn, bán vốn cho đối tác chiến lược, có thể hút dòng vốn ngoại khi thị trường chứng khoán rõ hơn bức tranh nâng hạng…
Cổ phiếu CTG đang nhận được nhiều sự quan tâm khi hội tụ nhiều điểm tích cực: Ngân hàng có kết quả kinh doanh liên tục cải thiện và áp lực trích lập dự phòng sẽ giảm bớt kể từ năm 2025; kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 15%, nhờ lợi thế chi phí vốn thấp và địa bàn hoạt động rộng lớn, có khả năng cạnh tranh với tệp khách hàng cả cá nhân và doanh nghiệp; chất lượng tài sản tốt với tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,45% trong quý III/2024 từ mức 1,57% của quý liền trước; tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng mạnh lên 153%, là mức bao phủ nợ xấu cao thứ hai trong ngành ngân hàng, chỉ sau VCB. Bên cạnh đó, vốn điều lệ dự kiến được tăng lên mức 74.200 tỷ đồng sẽ giúp Ngân hàng có thêm nguồn lực cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Với cổ phiếu HDB, định giá P/B mục tiêu được duy trì ở mức 1,4 lần, cao hơn so với cổ phiếu các ngân hàng tương đương như MBB, ACB, TCB…, phản ánh khả năng Ngân hàng duy trì tỷ lệ ROE vượt trội, luôn trên 20% kể từ năm 2020.
Tuần trước, cổ phiếu BID của BIDV trở thành tiêu điểm của các “room” thảo luận khi Ngân hàng báo lãi trước thuế riêng lẻ năm 2024 với con số kỷ lục 30.006 tỷ đồng. Tính đến hết 31/12/2024, vốn chủ sở hữu của BIDV đạt 136.320 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4%; giá trị vốn hóa đạt 259.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,6%, là một trong ba doanh nghiệp có mức vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sức nóng BID còn đến từ việc Ngân hàng chuẩn bị chào bán riêng lẻ 124 triệu cổ phiếu với giá 38.800 đồng/cổ phiếu. Dự kiến, có 5 tổ chức tham gia mua trong đợt phát hành này, gồm 4 nhà đầu tư nước ngoài và một nhà đầu tư trong nước.
Trong số các cổ phiếu ngân hàng tăng tốp đầu có HDB, đây là ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng tốt qua nhiều năm, ROE thường xuyên dẫn đầu thị trường. Câu chuyện của HDB đang tạo sự chú ý (cùng với VPB) là thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức lễ chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng yếu kém ngay trước Tết Nguyên đán 2025, gồm một ngân hàng từng mua lại “0 đồng” là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và một ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank). Nhiều dự đoán từ thị trường cho rằng, VPBank sẽ tiếp quản GPbank, còn HDB tiếp quản DongAbank.
Việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trước mắt được thị trường kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng này được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, đồng thời có thể được nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30% lên 49% và nhanh chóng phát triển mạng lưới sâu rộng hơn.
STB tiếp tục là cái tên được nhắc nhiều, trong đó thông tin được chờ đợi là Ngân hàng sẽ tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong năm 2024, đầu năm 2025. Nhờ đó, áp lực trích lập dự phòng từ năm 2024 giảm đáng kể, giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. Việc xử lý thành công số vốn này sẽ cải thiện chất lượng tài sản và tăng tính minh bạch, thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho Ngân hàng trong thời gian tới.
STB đã đấu giá thành công Khu công nghiệp Phong Phú và thu hồi được 20% tổng giá trị bán đấu giá. Theo kế hoạch, Ngân hàng sẽ tiếp tục nhận được 40% trong năm 2024 và 40% trong năm 2025. Đây sẽ là khoản giúp STB ghi nhận hoàn nhập và cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2025, sau khi đã nhận được đầy đủ khoản thanh toán của bên mua tài sản.
Vẫn cẩn trọng với nợ xấu
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng bị cảnh báo về chất lượng tài sản, câu chuyện nợ xấu vẫn đang có hai luồng ý kiến là “nợ xấu đạt đỉnh” hay “nợ xấu bớt căng thẳng hơn”, chủ yếu liên quan đến sự kiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực kể từ đầu năm 2025 sẽ gây áp lực cho nhiều ngân hàng.
Công ty Chứng khoán BIDV dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN chiếm khoảng 1,6% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối quý III/2024. Trong đó, một số ngân hàng có tỷ trọng dư nợ tương đối cao như VPB (2,5%), MSB (1,2%), TPB (0,8%), còn các ngân hàng lớn khác đều có tỷ trọng này dưới 0,5%. Các ngân hàng phải trích lập 100% đến hết năm 2024. Tác động gia tăng lên chi phí dự phòng dự kiến sẽ được kiểm soát. Các ngân hàng về cơ bản đều nhận định, việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực không gây áp lực đáng kể đối với “sức khỏe” bảng cân đối kế toán.
Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, nợ xấu chưa chắc đã đạt đỉnh, không nên lơ là với nợ xấu, không phải ngân hàng nào cũng đảm bảo “sức khỏe”.
Theo thống kê của VIS Ratings, trong 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ hình thành nợ quá hạn của các ngân hàng nói chung đã chậm lại. Hầu hết các ngân hàng tự tin rằng, dòng tiền trả nợ của khách hàng sẽ tiếp tục phục hồi nhờ điều kiện hoạt động kinh doanh trong nước tốt hơn.
Quy mô các khoản nợ tái cơ cấu đã giảm đáng kể tại một số ngân hàng như TCB, ACB, HDB, VIB…
Sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực, các ngân hàng sẽ phải ghi nhận toàn bộ chi phí tín dụng cho các khoản nợ tái cơ cấu. Tác động lên kết quả kinh doanh vẫn có thể được kiểm soát đối với các ngân hàng lớn có quy mô nợ tái cơ cấu hạn chế.
Một số ít ngân hàng, ví dụ như VPB, với các khoản nợ tái cơ cấu đáng kể liên quan đến các khách hàng lớn và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ có rủi ro tài sản cao. VIS Ratings lưu ý, những ngân hàng này vẫn phải đối mặt với các vấn đề còn tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản, trong đó một số nhà phát triển bất động sản đang gặp vướng mắc pháp lý dự án, hoặc nhu cầu thấp tại các dự án mới.
Các ngân hàng này cũng gặp khó khăn trong việc cải thiện khả năng sinh lời để đáp ứng chi phí tín dụng cao hơn. Chi phí vốn cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng tăng lên để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Một số ngân hàng nhỏ, ví dụ ABB, đã có kế hoạch giảm rủi ro cho vay nhằm giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản và nếu thực hiện sẽ tiếp tục tạo áp lực lên biên lãi ròng.
Phan Hằng
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang-van-la-tru-cot-nhung-co-hoi-se-phan-hoa-post361614.html