Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng, dự kiến đứng đầu hệ thống ngân hàng.
Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, bao gồm việc chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Ngân hàng Vietcombank, mã cổ phiếu VCB - sàn HoSE) với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của ngân hàng.
Như vậy, Ngân hàng Vietcombank có thể sẽ sớm triển khai phương án thanh toán cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng (gồm cả vốn của Nhà nước và cổ đông khác), tương ứng với tỷ lệ chi trả 49,5%.
Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng, dự kiến đứng đầu hệ thống ngân hàng.
Trước đó, thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Vietcombank đóng vai trò là trụ cột của hệ thống, góp phần hỗ trợ thực hiện các chính sách của Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hiện nhu cầu tăng vốn của Ngân hàng Vietcombank ở mức bức thiết nhằm giữ vững vai trò dẫn dắt hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vì đặc thù hoạt động, quá trình tăng vốn của ngân hàng này cần phải được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. Thêm nữa, việc này phải đi xin từng năm, theo trình tự khiến cho thời gian phê duyệt bị kéo dài.
Trên thực tế, sau đợt phát hành gần 857 triệu cổ phiếu vào tháng 8/2023 để trả cổ tức còn lại của năm 2019 và 2020, Ngân hàng Vietcombank hiện vẫn chưa thực hiện đợt chi trả cổ tức nào trong năm 2024 dù đang triển khai thực hiện cùng lúc nhiều kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối các năm trước.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Trong bối cảnh các kế hoạch tăng vốn phải chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quỹ lợi nhuận chưa phân phối của Ngân hàng Vietcombank liên tục mở rộng qua các năm nhưng bị các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như Ngân hàng VPBank và Ngân hàng Techcombank vượt qua về vốn điều lệ.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2024, Ngân hàng Vietcombank hiện đang là ngân hàng có quỹ lợi nhuận chưa phân phối lớn nhất hệ thống với 102.068 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2024, tăng 25.310 tỷ đồng so với cuối năm 2023 và chiếm gần 1/4 tổng lợi nhuận chưa phân phối của 27 ngân hàng trên thị trường chứng khoán.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Vietcombank vừa chính thức nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém - Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (Ngân hàng CB). Theo đó, Ngân hàng CB trở thành Ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên do Ngân hàng Vịetcombank sở hữu 100% vốn điều lệ. Đây là giải pháp nhằm cơ cấu ngân hàng yếu kém và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Duy Quang