Ngải Thầu Thượng
Ngải Thầu Thượng nằm cheo leo trên đỉnh Ma Cha Va (xã Ngải Thầu), được mệnh danh là thôn cao nhất Việt Nam với độ cao 2.300m so với mực nước biển. Ở độ cao này, ngôi làng như chốn tiên cảnh, quanh năm chìm trong mây bồng bềnh. Cảnh quan Ngải Thầu Thượng rất nguyên sơ, mang vẻ đẹp huyền ảo khi những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín phủ một màu vàng óng ả. Những thửa ruộng ở thung lũng Thiên Sinh và Thèn Pả như trải dài lấp lánh sắc vàng mỗi mùa gặt. Bản làng Mông nơi đây vẫn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống: Nhà trình tường đơn sơ, trang phục thổ cẩm sặc sỡ và âm điệu khèn gọi bạn. Gần đây, đường lên Ngải Thầu Thượng đã được bê tông hóa, giúp du khách dễ dàng chinh phục “làng trên mây” này.
Sàng Ma Sáo
Sàng Ma Sáo là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, nằm cách trung tâm huyện khoảng 50km, ẩn mình dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Theo tiếng Mông, “Sàng Ma Sáo” có nghĩa là “núi Mào Gà”. Địa hình Sàng Ma Sáo chia cắt mạnh với nhiều thung lũng sâu và núi đồi trùng điệp. Một trong những điểm nổi bật là đỉnh Nhìu Cồ San cao 2.965m, từng được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Từ đỉnh này, tầm mắt du khách bao quát khung cảnh ruộng bậc thang nối tiếp nhau như dải lụa uốn quanh những ngôi nhà trình tường giản dị của người Dao và người Mông. Ngoài ruộng lúa, người dân Sàng Ma Sáo tận dụng khí hậu mát mẻ để trồng cây thảo quả quanh năm, góp phần làm nên nguồn sinh kế và cảnh quan đặc sắc cho bản làng.
Thung lũng Thề Pả
Thung lũng Thề Pả thuộc xã Y Tý là một thung lũng ruộng bậc thang rộng lớn uốn lượn giữa những dãy núi cao. Quần thể ruộng bậc thang Thề Pả có tổng diện tích 233,1ha và đã được xếp hạng Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2015. Đây là “công trình sáng tạo vĩ đại” của đồng bào Mông và Hà Nhì, những người đã đắp từng bậc ruộng để biến núi đồi hoang sơ thành cảnh đẹp như tranh.
Cảnh quan Thề Pả thay đổi theo mùa: Mùa nước đổ (tháng 5 - 6) khiến thửa ruộng như những tấm gương khổng lồ phản chiếu mây trời; đến mùa lúa chín, cả thung lũng nhuộm vàng rực rỡ. Bên cạnh cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Thề Pả còn lưu giữ lễ hội cúng rừng “Gạ Ma Do” của người Hà Nhì (đầu tháng Giêng âm lịch), với nghi thức cầu mùa màng bội thu. Sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa truyền thống đã biến thung lũng Thề Pả thành điểm đến thu hút đối với du khách yêu khám phá.
Mộc Thanh