Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khống chế vụ cháy tại Shop quần áo T.A. trên đường Hùng Vương (xã Nhơn Trạch) trưa 20-5. Ảnh: Minh Thành
Liên tục xảy ra cháy nghi do sự cố điện
Sáng 10-7, một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) bốc cháy dữ dội khiến cửa hàng hư hỏng hoàn toàn, nhiều thiết bị, máy móc bị thiêu rụi. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do chập điện. Trước đó, tối 6-7, tại cư xá Độc Lập, đường Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh) xảy ra vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người thiệt mạng; nguyên nhân vụ cháy được xác định ban đầu do chập điện.
Tại Đồng Nai, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại về tài sản, nguyên nhân ban đầu cũng nghi do sự cố điện. Trưa 28-6, một cửa hàng điện máy (chuyên bán đồ điện tử, điện máy) trên đường Phùng Hưng (xã An Phước) bốc cháy dữ dội khiến nhiều nhân viên và khách hàng đang trong cửa hàng điện máy này hốt hoảng chạy ra ngoài. Trước đó, tối 24-4, tại chợ Tân Thành thuộc phường Đồng Xoài xảy ra cháy, ngọn lửa gần như thiêu rụi hoàn toàn một cửa hàng tạp hóa trong khu vực chợ.
Các vụ cháy liên tục xảy ra trên cả nước do sự cố điện đã khiến nhiều người dân lo lắng; nhất là vào mùa mưa hiện nay, hệ thống điện tại gia đình, nhà xưởng có nguy cơ thấm nước mưa, dẫn đến sự cố phát sinh.
Bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ phường Trấn Biên) lo lắng cho biết: “Đối với nhiều gia đình, ngôi nhà không chỉ là nơi che mưa nắng, mà còn là không gian sống an toàn nhất. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước mưa có thể len lỏi vào đường dây điện bị hở, ổ cắm không đạt chuẩn, hoặc các thiết bị điện tử… gây ra chập điện, rò rỉ điện. Một tia lửa nhỏ cũng đủ sức bùng phát thành đám cháy lớn, đặc biệt khi trong bất kỳ ngôi nhà nào cũng có nhiều vật liệu dễ bắt lửa như: đồ gỗ, vải vóc, giấy, hay các thiết bị điện tử”.
Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khống chế vụ cháy Cửa hàng Đ.M.X. trên đường Phùng Hưng (xã An Phước) trưa 28-6. Ảnh: Minh Thành
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn
Ngay sau vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vào tối 6-7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, phân loại, hướng dẫn áp dụng ngay các giải pháp tăng cường phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho người dân một cách thực chất, hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra trên địa bàn.
Đại tá NGUYỄN MINH KHƯƠNG, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), đã chỉ ra một số nhóm giải pháp chính để phòng cháy liên quan đến điện. Cụ thể là nâng cao ý thức và kiến thức sử dụng điện cho người dân thông qua tuyên truyền rộng rãi; quản lý chặt chẽ thị trường thiết bị sử dụng điện, ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng lưu hành bằng sự phối hợp của các bộ, ngành; các cơ quan chức năng phải thực hiện hết trách nhiệm theo quy định pháp luật về an toàn PCCC và an toàn điện.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong những năm qua, tập đoàn đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền về sử dụng điện an toàn nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và giảm thiểu tai nạn. Các hoạt động đa dạng được thực hiện qua nhiều kênh như: phối hợp với cộng đồng, phát thanh loa phường, tổ chức tại trường học và xây dựng tài liệu hướng dẫn. Nội dung tuyên truyền được cập nhật liên tục trên các nền tảng điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau như hộ gia đình, học sinh và doanh nghiệp.
Cùng với đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo người dân cần chủ động kiểm tra, bảo trì hệ thống điện gia đình và nơi làm việc. Đặc biệt là thường xuyên kiểm tra, thay thế dây điện cũ, không sử dụng các thiết bị điện khi tay ướt, ngắt các thiết bị không cần thiết khi không sử dụng hoặc khi đi ngủ và không tự ý sửa chữa điện nếu không có kiến thức chuyên môn.
Minh Thành