Ngăn ngừa tình trạng 'nhạt Đảng, khô Đoàn', phai nhạt lý tưởng sống của thế hệ trẻ

Ngăn ngừa tình trạng 'nhạt Đảng, khô Đoàn', phai nhạt lý tưởng sống của thế hệ trẻ
9 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thời gian gần đây, xuất hiện một bộ phận người trẻ có biểu hiện mơ hồ, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, thiếu niềm tin vào tổ chức. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn”, phai nhạt lý tưởng sống của bộ phận thế hệ trẻ hiện nay.
Hệ lụy lớn từ những biểu hiện nhỏ
Lý tưởng sống là mục đích tốt đẹp mà mỗi con người muốn hướng tới. Người có lý tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ và hành động để hoàn thiện mình hơn, giúp ích cho bản thân, gia đình và đất nước. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chúng ta không thể nào quên được những thế hệ trẻ đã sống và cháy hết mình vì lý tưởng cách mạng cao đẹp. Những hy sinh anh dũng của họ đã ghi tạc vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước. Đó là sự hy sinh của những người chiến sĩ cách mạng khi tuổi đời còn trẻ như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm… Họ ra đi khi ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời.
Chúng ta không thể nào quên được câu nói bất hủ của người chiến sĩ cách mạng Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”, đó là hình ảnh của liệt sĩ Trần Văn Phương, người đã hy sinh trong sự kiện Trường Sa năm 1988 với câu nói nổi tiếng: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Và còn rất nhiều tấm gương hy sinh của lớp lớp thế hệ trẻ cha anh đi trước đã anh dũng ngã xuống vì độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc vì nền hòa bình cho thế hệ trẻ hôm nay.
Gặp gỡ Trường Sa. Ảnh: DUY KHÁNH
Thế nhưng, thật đáng suy nghĩ khi trong giai đoạn hiện nay, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, với nhiều cám dỗ, không ít bạn trẻ dễ đánh mất bản ngã của mình, họ thờ ơ, lãnh đạm đối với con đường đi lên của đất nước; tỏ ra xa lạ với lý tưởng cách mạng, thậm chí có những tư tưởng cực đoan với con đường đi lên của đất nước. GS Trần Văn Giàu từng nhận xét: “Có thể tôi không hiểu hết, nhưng dường như một bộ phận không nhỏ thanh niên bây giờ thiếu lý tưởng. Tôi nói thiếu chứ không phải không có. Có nhưng đậm nhạt khác nhau”.
Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030” đã chỉ rõ, hiện nay vẫn còn tình trạng “Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp”.
Trong cuộc sống hiện tại, thật không khó để chúng ta bắt gặp những câu hỏi của giới trẻ hiện nay như: “Vào Đảng để làm gì?” hay “Em thấy vào Đảng chỉ tốn tiền đóng đảng phí”. Đáng buồn là điều này lại xảy ra ở một số người trẻ có trình độ, được đào tạo bài bản, hiện đang có mức thu nhập cao. Theo suy nghĩ của không ít người trẻ thực dụng, việc đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ trở thành rào cản khi họ muốn làm việc cho công ty nước ngoài. Với không ít người trẻ, họ không muốn vào Đảng vì suy nghĩ rằng không đem lại lợi ích cho công việc đang làm, lại bị ràng buộc bởi quy định, hội họp... Thậm chí đáng báo động hơn cả, khi ngay cả đảng viên trẻ đang tham gia sinh hoạt Đảng cũng có nhiều trường hợp còn “mơ hồ” về nhiệm vụ của đảng viên.
Điều đáng buồn nữa, đó là một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay lãng quên lịch sử, coi nhẹ cội nguồn của dân tộc, một số bạn trẻ “không biết ngày thành lập Đảng là ngày nào”, trong khi đó lại cập nhật rất nhanh những thú vui, lối sống thực dụng, hưởng thụ… Thực trạng nói trên đang xảy ra ở không ít các địa phương và những thành phố lớn. Kể cả ở trong các trường đại học, sinh viên hiện nay nhìn chung rất sợ, rất ngại học các môn chính trị, các môn Mác - Lênin, coi đây là những nội dung, môn học khô khan. Thay vào đó họ thích những trào lưu văn hóa mới du nhập từ bên ngoài vào hoặc thích kiếm tiền từ mạng xã hội để hưởng thụ. Họ đề cao vai trò của cá nhân mình, thờ ơ, bàng quan, không nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với dân tộc. Đây tưởng là vấn đề nhỏ nhưng gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến thế hệ nối tiếp của Đảng hiện nay.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu rõ: “Công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua cũng còn nhiều hạn chế. Một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; thậm chí có một số ít thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm đi ngược lại với truyền thống vẻ vang của Đoàn, trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc…”.
Củng cố niềm tin, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ
Tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn”, phai nhạt lý tưởng cách mạng của thế hệ trẻ hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhiều phía, trong đó phải kể đến tác động của mặt trái kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Về nguyên nhân chủ quan, có thể thấy, công tác giáo dục của các tổ chức Đoàn, tổ chức Đảng và các nhà trường còn dàn trải, nặng về hình thức, chưa bắt nhịp kịp với những thay đổi nhanh chóng trong nhận thức và đời sống của thế hệ trẻ hiện nay. Một số phong trào chưa quan tâm tới các đối tượng đặc thù, yếu thế, cá biệt nên kết quả chưa toàn diện, bền vững. Một bộ phận giới trẻ lười lao động, lười học tập, ngại khó, ngại khổ, chưa làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình ở gia đình, địa phương, đơn vị. Chất lượng tổ chức đoàn cơ sở trên địa bàn dân cư, nhất là khu vực nông thôn, khu công nghiệp còn khó khăn. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu thiếu quan tâm tới công tác đoàn và phong trào thanh niên, chưa đầu tư đúng mức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển đảng viên mới…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò và đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Theo Bác: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ”.
Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn”, phai nhạt lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay, thiết nghĩ, các cấp, tổ chức liên quan cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức và bản lĩnh cho thế hệ trẻ; quan tâm công tác bồi dưỡng, kết nạp Đảng và “tạo nguồn” cán bộ cho Đảng; triển khai đồng bộ các biện pháp tập hợp thanh niên. Cần chú trọng giáo dục, rèn luyện thanh thiếu niên thông qua hoạt động thực tiễn và các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt việc kết hợp giữa giáo dục của nhà trường với gia đình và xã hội.
Các cấp bộ Đoàn cần thường xuyên, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng đoàn viên, thanh niên; thực sự gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu để thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Tích cực trang bị kiến thức, kỹ năng cho thế hệ trẻ để phòng ngừa, sàng lọc và đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Triển khai sâu rộng các phong trào tình nguyện, cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, cuộc vận động “Xây dựng hình ảnh đẹp của thanh niên Việt Nam trong thời kỳ mới”... Triển khai tốt cuộc vận động “Đoàn viên, thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, gắn với sử dụng mạng xã hội để định hướng, tuyên truyền các hình mẫu thanh niên trong thời đại mới theo tiêu chí “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”. Có như vậy mới giữ vững được lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, để họ luôn đứng vững trên nền tảng tư tưởng của Đảng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc với bề dày mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, để trở thành người có ích cho gia đình, đất nước, cho toàn thể xã hội.
LƯU MINH NAM - LÊ THỊ NHUNG - TRIỆU THỊ HÒA (Trường THPT Khoái Châu, Hưng Yên)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/ngan-ngua-tinh-trang-nhat-dang-kho-doan-phai-nhat-ly-tuong-song-cua-the-he-tre-816650