Ngân sách chi trả dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Chính sách tích cực, có ý nghĩa lớn đối với học sinh, thầy cô giáo

Ngân sách chi trả dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Chính sách tích cực, có ý nghĩa lớn đối với học sinh, thầy cô giáo
5 giờ trướcBài gốc
Ngân sách chi trả dạy thêm, học thêm trong nhà trường
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành đã nhận được nhiều phản hồi nhiều chiều từ phía nhà trường và phụ huynh. Bên cạnh tinh thần hưởng ứng và ủng hộ việc cấm dạy thêm thu tiền trong nhà trường, có những giáo viên tỏ ra hụt hẫng vì không được dạy thêm có thu tiền trong nhà trường, một số phụ huynh cũng lo lắng phải tìm chỗ học thêm cho con sau giờ chính khóa vì sợ nhà trường không tổ chức dạy thêm như hiện nay.
Tâm trạng đó xuất phát từ việc Thông tư 29 hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường. Chỉ cho phép dạy thêm, học thêm 3 đối tượng là những học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Việc dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền.
Tuy nhiên, có một điểm tích cực không phải ai cũng biết, đó là Thông tư 29 quy định tiền chi trả cho dạy thêm học thêm lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
Trước những băn khoăn và các điểm mới này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với các lãnh đạo trong ngành giáo dục ở các địa phương. Bước đầu có thể thấy đây là một chính sách tích cực, có ý nghĩa lớn lao đối với học sinh và thầy cô. Cụ thể bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Hà Đông cho biết, đối với bồi dưỡng học sinh yếu kém, học sinh giỏi từ xưa đến nay vẫn tổ chức bồi dưỡng tại các nhà trường. Ngày trước, việc bồi dưỡng các học sinh diện này là miễn phí. Bây giờ, Thông tư 29 quy định dùng ngân sách nhà nước chi trả, đây là điều rất tốt.
“Các nhà trường từ trước đến nay vẫn làm, vẫn bồi dưỡng học sinh giỏi, vẫn bồi dưỡng học sinh yếu kém. Mặc dù, không có kinh phí nhưng các cô thầy vẫn sẵn sàng dạy học sinh. Bây giờ có thêm kinh phí chi trả từ ngân sách Nhà nước thì đó là một thuận lợi” – bà Hằng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng, kinh phí nhà nước đang khó khăn nhưng nếu có thêm để thanh toán hỗ trợ cho các thầy cô cũng là điều đáng mừng. “Giờ có hành lang pháp lý để thanh toán, còn ngày xưa đối với bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh yếu kém là dạy miễn phí trên tinh thần tự nguyện” – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông chia sẻ.
Cũng theo bà Hằng, hiện nay trong nhà trường, các chương trình liên kết như ngoại ngữ, dạy toán bằng các môn khoa học và ngoại ngữ vẫn dạy bình thường không bị ảnh hưởng bởi Thông tư 29. Việc dạy liên kết ngoại ngữ và các chương trình ngoại khóa trên cơ sở tự nguyện, xã hội hóa giáo dục tại các trường vẫn được triển khai nhiều năm qua thì vẫn tiến hành bình thường. “Việc này không ảnh hưởng gì khi Thông tư mới được ban hành” – bà Hằng chia sẻ.
Cũng theo bà Hằng, khi Thông tư 29 ra đời có những thay đổi nhưng tất cả giáo viên phải thích nghi để quen với quy định mới. Còn đối với các bậc phụ huynh cũng không cần lo lắng vì các con đến trường luôn được thầy cô quan tâm, dạy hết lòng.
Hình ảnh người thầy sẽ trở nên đẹp hơn
Liên quan đến Thông tư 29, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Đại biểu Quốc hội (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cũng nhận thấy được nhiều điểm ưu việt từ Thông tư 29. Ông Thành cho rằng, với những quy định mới, tới đây, học sinh sẽ được thụ hưởng nhiều chính sách giáo dục tốt hơn và hình ảnh thầy cô giáo cũng đẹp hơn, lung linh hơn trong mắt học sinh và phụ huynh.
“Thông tư 29 là một bước tiến, đã thể hiện Đảng, Nhà nước chăm lo học tập cho các cháu toàn diện hơn. Đối với các địa phương giàu có như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… thì quá hay. Bởi, Nhà nước sẽ chi trả kinh phí cho dạy thêm. Thầy cô chỉ việc dạy mà không liên quan đến thu tiền. Điều đó làm hình ảnh người thầy đẹp hơn, thầy cô chỉ cần giỏi về chuyên môn, chăm lo chuyên môn để dạy học trò còn những điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí Nhà nước sẽ lo” – ông Thành chia sẻ.
Ông Thành cho biết, khi Thông tư đi vào thực tiễn, hình ảnh thầy cô đi dạy sẽ đàng hoàng hơn. Họ dạy học được hưởng tiền từ ngân sách nhà nước mà không phải thu tiền từ phụ huynh, các chế độ chính sách nhà nước đảm bảo. Cái hiện nay cần quan tâm là cách làm để phù hợp với quy định. Điều này cần thời gian để các Sở GD&ĐT các tỉnh tham mưu cho tỉnh trong chính sách liên quan đến dạy thêm, học thêm trong nhà trường. “Khi Nhà nước đảm bảo nguồn kinh phí, có đầu tư thỏa đáng thì thầy cô không cần thu xã hội hóa nữa. Từ đó, mối quan hệ giữa học sinh với thầy cô thêm cao đẹp. Giáo viên chỉ cần hoàn thiện chuyên môn, cống hiến. Chính sách Nhà nước trả cho thầy cô xứng đáng, xã hội tôn vinh thì còn gì tuyệt hơn” – thầy Thành phân tích.
Cũng theo thầy Thành, các thầy cô không nên quá lo lắng vì những thay đổi trong Thông tư 29. Điểm ưu việt của Thông tư là điều giáo dục mong mỏi từ lâu. Thời gian sẽ cho thấy, những thay đổi trên là điểm tích cực mà thầy cô giáo cũng được thụ hưởng. “Bây giờ hướng đến Nhà nước chi trả tiền dạy thêm, học thêm, phụ đạo, ôn thi lớp 9, ôn thi lớp 12 đều được miễn phí. Điều này là điểm tích cực”- ông Thành chia sẻ.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cơ bản đủ đáp ứng yêu cầu, phẩm chất năng lực người học để trở thành người công dân tốt, nhân lực tốt cho đất nước. Đội ngũ nhà giáo được đào tạo, năng lực đáp ứng nhu cầu chương trình, tăng cường công tác bồi dưỡng, ai chưa đáp ứng được cần phải tăng cường tiếp công tác bồi dưỡng để đáp ứng việc dạy và học. “Khi chương trình tốt, thầy cô tốt thì chắc chắn chất lượng phải tốt” – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhận định.
Thầy Thành chia sẻ thêm: “Tại tỉnh Nghệ An, hiện có 83 trường bán trú ở cấp 1 và cấp 2. Nghệ An đã thông qua Nghị quyết như tăng cường ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống và số tiết đó tỉnh cấp ngân sách để hiệu trưởng chi trả sử dụng. Muốn dạy như vậy giáo viên phải đáp ứng yêu cầu, nếu không phải thuê giáo viên bên ngoài. Tỉnh trả tiền cho dạy thêm đó là mô hình Nghệ An đã làm.”
Hiện tại, điểm nghẽn cần phải cân nhắc đó là ngân sách. Nếu các tỉnh đã cân đối được thu chi ngân sách thì rất thuận lợi. Trong khi những tỉnh nghèo, những tỉnh miền núi, những địa phương có khu vực miền núi thì cần phải bàn luận, tìm giải pháp phù hợp. “Làm sao học sinh đi học được chăm lo học tập toàn diện, Nhà nước chăm lo cho các em đầy đủ chính là điểm mà giáo dục đang hướng tới” – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, để có chính sách cụ thể thì cần thời gian nghiên cứu, đề xuất, vì vậy áp dụng trong năm học 2024 - 2025 sẽ rất khó mà nên áp dụng từ năm học 2025 - 2026. Theo ông Thành, thời điểm đó là phù hợp nhất để các tỉnh có thời gian xây dựng chính sách phù hợp cho địa phương của mình.
Như vậy, qua trao đổi với lãnh đạo giáo dục ở một số địa phương, có thể thấy Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm đã thể hiện được quyết tâm của Đảng và Nhà nước mong muốn chăm lo giáo dục cho học sinh một cách toàn diện. Đây là một chính sách nhiều ưu việt, thầy cô và học sinh cần đón nhận tích cực.
Trinh Phúc
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/ngan-sach-chi-tra-day-them-hoc-them-trong-nha-truong-chinh-sach-tich-cuc-co-y-nghia-lon-doi-voi-hoc-sinh-thay-co-giao-post330628.html