Giá dầu xuất khẩu thấp hơn và đồng rúp tăng giá đã dẫn đến giảm đáng kể doanh thu ngân sách của Nga từ dầu khí. Ảnh: TASS
Theo đánh giá của Iwona Wisniewska và Philip Rudnik, các chuyên gia về Nga tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông (OSW) có trụ sở tại Ba Lan, kể từ đầu năm 2025 đến nay, bức tranh tài chính của Nga, đặc biệt là nguồn thu từ dầu khí, đang trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Sự kết hợp giữa các lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng siết chặt, đồng rúp mạnh lên bất ngờ và giá dầu thế giới lao dốc đang tạo ra áp lực không nhỏ lên ngân sách quốc gia Nga. Mặc dù tổng doanh thu trong quý đầu tiên vẫn nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tốc độ tăng trưởng đã không còn theo kịp kỳ vọng được đặt ra trong kế hoạch ngân sách năm 2025.
Trong bối cảnh đó, Điện Kremlin vẫn kiên định với chính sách chi tiêu mở rộng, mạnh tay rót vốn vào nhiều lĩnh vực. Điều này, một mặt, thúc đẩy lạm phát leo thang và đòi hỏi duy trì lãi suất ở mức cao ngất ngưởng, mặt khác, đang kìm hãm đà tăng trưởng vốn đã mong manh của nền kinh tế. Nếu giá dầu tiếp tục "trượt dốc" trong thời gian dài, Chính phủ Nga sẽ buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn: cắt giảm chi tiêu hoặc "xẻ thịt" nguồn dự trữ quốc gia vốn đang ngày càng eo hẹp.
"Cơn gió ngược" từ thị trường dầu mỏ
Theo số liệu chính thức từ Chính phủ Nga, giá xuất khẩu dầu trung bình - cơ sở để tính thuế cho ngành công nghiệp "vàng đen" - chỉ đạt 62,8 USD một thùng trong quý đầu tiên của năm 2025. Con số này thấp hơn tới 5 USD, tương đương khoảng 8%, so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, tháng 3 năm nay chứng kiến mức giảm sâu nhất khi giá dầu xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng. Bên cạnh đó, mức chiết khấu giữa dầu thô của Nga và dầu Brent chuẩn phương Tây cũng nới rộng đáng kể, từ khoảng 10 USD vào tháng 1 lên gần 14 USD vào tháng 3 vừa qua.
Sự sụt giảm giá dầu trong quý đầu tiên có thể lý giải bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên, hiệu lực ngày càng tăng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, đặc biệt là gói trừng phạt "chia tay" của chính quyền Biden vào ngày 10/1 năm nay, đã gây ra những tác động không nhỏ. Lượng tàu chở dầu kỷ lục phải chịu các hạn chế của Mỹ đã buộc các nhà xuất khẩu Nga phải giảm giá đối với tất cả các loại dầu, kể cả loại ESPO vốn có giá cao hơn trên thị trường châu Á. Trước đây, giá dầu ESPO ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt do hoạt động xuất khẩu từ cảng Koźmino ở Thái Bình Dương ít liên quan đến các công ty phương Tây hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng các hạn chế đối với tàu phục vụ cảng này đã đẩy mức chiết khấu của ESPO tăng từ 2 USD vào đầu tháng 1 lên 10 USD vào đầu tháng 4.
Thứ hai, Nga đã bán ít dầu ra nước ngoài hơn trong quý đầu tiên so với năm 2024. Khối lượng xuất khẩu đạt khoảng 4,6 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn 300.000 thùng mỗi ngày so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do việc tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng trong khuôn khổ OPEC+. Thứ ba, giá dầu toàn cầu cũng đang trên đà giảm, tạo ra một môi trường kinh doanh bất lợi cho Nga. Giá trung bình hàng tháng của dầu Brent đã giảm khoảng 8% trong giai đoạn này, từ 79 USD/thùng vào tháng 1 xuống còn 72 USD/thùng vào hai tháng sau đó.
Đà giảm giá dầu của Nga tiếp tục kéo dài sang đầu tháng 4 sau hai sự kiện quan trọng: việc chính quyền Trump áp dụng thuế quan đối với Trung Quốc và tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ, cùng quyết định của OPEC+ về việc tăng dần sản lượng. Mặc dù mức tăng sản lượng của OPEC+ khá hạn chế (411.000 thùng mỗi ngày) và chỉ liên quan đến việc cắt giảm tự nguyện của tám thành viên (bao gồm cả Nga), quyết định này vẫn có thể được điều chỉnh nếu tình hình thị trường thay đổi. Tuy nhiên, động thái áp thuế của Mỹ có tác động mạnh mẽ hơn nhiều, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến hoạt động kinh tế trì trệ và nhu cầu nhiên liệu thấp hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu, bao gồm cả dầu của Nga.
Những tác động tiêu cực từ giá dầu giảm càng trở nên trầm trọng hơn do đồng rúp bất ngờ tăng giá so với USD. Kể từ ngày 12/2/2025, đồng tiền Nga liên tục duy trì ở mức thấp hơn tỷ giá trung bình hàng năm được quy định trong ngân sách năm 2025.
Tình trạng này chủ yếu là do thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng tăng. Sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt và cắt đứt Nga khỏi thị trường vốn nước ngoài, cán cân thương mại nước ngoài trở thành yếu tố quyết định giá trị của đồng rúp, thay vì giá dầu như trước cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong quý đầu tiên của năm 2025, dù xuất khẩu chỉ giảm nhẹ, nhập khẩu lại ghi nhận mức giảm đáng kể (gần 11% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước), làm giảm nhu cầu về ngoại tệ và đẩy giá đồng rúp lên cao. Sự tăng giá của đồng rúp cũng có thể liên quan đến những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Nga và việc bắt đầu các cuộc đàm phán về Ukraine, mang lại sự lạc quan cho các nhà đầu tư vẫn còn hợp tác với Nga.
Thu ngân sách từ dầu khí giảm mạnh
Giá dầu xuất khẩu thấp hơn và đồng rúp tăng giá đã dẫn đến giảm đáng kể doanh thu ngân sách của Nga từ dầu khí. Trong tháng 2 và tháng 3/2025, doanh thu từ lĩnh vực này lần lượt giảm hơn 18,5% và 17,2% so với cùng kỳ năm trước, khiến tổng giá trị trong quý đầu tiên (khoảng 2,6 nghìn tỷ rúp) thấp hơn gần 10% so với cùng kỳ năm 2024. Điều đáng lo ngại là tác động của giá dầu giảm trong tháng 3 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến ngân sách từ tháng 4 trở đi.
Theo quy định ngân sách hiện hành, Chính phủ Nga chỉ có thể sử dụng nguồn thu từ dầu khí cho chi tiêu thường xuyên khi giá xuất khẩu dầu ở mức 60 USD/thùng trở lên. Phần thặng dư sẽ được chuyển vào Quỹ Phúc lợi Quốc gia (NWF) dưới dạng vàng hoặc nhân dân tệ. Nếu giá dầu xuống dưới mức này (như trường hợp tháng 3), thâm hụt sẽ được bù đắp từ nguồn dự trữ tích lũy.
Kết quả là, vào ngày 12/4, lần đầu tiên kể từ tháng 1/2024, Chính phủ Nga đã bắt đầu bán ngoại tệ từ NWF để trang trải khoản thâm hụt doanh thu từ dầu khí, gây thêm áp lực lên đồng rúp. Mặc dù vậy, trong quý đầu tiên, Nga vẫn tăng được dự trữ do giá dầu trung bình vượt quá 60 USD/thùng. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được chuyển vào NWF chậm hơn đáng kể và hiện đang được giữ trong tài khoản của ngân hàng trung ương.
Đáng chú ý, sau ba năm kể từ khi cuộc chiến toàn diện với Ukraine nổ ra, dự trữ thanh khoản của Chính phủ Nga đã giảm đáng kể, hiện có giá trị khoảng 39 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại, thấp hơn cả mức thâm hụt ngân sách năm 2024 (3,5 nghìn tỷ rúp, tương đương khoảng 42 tỷ USD). Nguồn dự trữ này không chỉ được sử dụng để bù đắp thâm hụt mà còn cho nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các công ty nhà nước.
Trong quý đầu tiên, doanh thu từ các lĩnh vực khác của nền kinh tế Nga vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chỉ tương đương với tỷ lệ lạm phát chính thức và vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 18% mà chính phủ đặt ra cho cả năm 2025. Tình hình này phản ánh gánh nặng tài chính ngày càng gia tăng đối với doanh nghiệp và người dân, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại đáng kể (ví dụ, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,2% so với mức hơn 6% của năm trước). Kết quả là, tổng thu ngân sách của Nga trong quý đầu tiên tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể trong tháng 3 (chỉ tăng 0,3% so với mức hơn 11% vào tháng 1).
Cơ sở lọc dầu ở giếng dầu Vankorskoye thuộc vùng Krasnoyarsk, Nga. Ảnh: Reuters/TTXVN
Chi tiêu "phi mã": Áp lực ngày càng lớn
Trong những tháng đầu năm, Chính phủ Nga thường mạnh tay tăng chi tiêu ngân sách, đặc biệt là cho các hợp đồng mua sắm công, chủ yếu là vũ khí. Tốc độ tăng trưởng chi tiêu nhà nước trong quý đầu tiên năm nay lên tới 24,5% (so với 20% của năm trước). Điều này dẫn đến việc chính phủ đã chi hơn 27% tổng ngân sách cả năm, một mức kỷ lục trong giai đoạn này. Dữ liệu ngân sách điện tử cho thấy xu hướng chi tiêu cao vẫn tiếp tục trong tuần đầu tiên của tháng 4. Kết quả là, thâm hụt ngân sách trong quý đầu tiên đã vượt quá mức kế hoạch cho cả năm (1 nghìn tỷ rúp).
Trước bối cảnh đó, Chính phủ Nga đang ngày càng gặp khó khăn trong việc tài trợ cho chi tiêu ngân sách ngày càng tăng, phần lớn liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine. Điều này buộc Điện Kremlin phải sử dụng dự trữ và tăng nợ công. Giá dầu giảm hiện tại, cùng với sự suy giảm đồng thời của hoạt động kinh tế, đang gia tăng áp lực vốn đã rất lớn lên tài chính nhà nước.
Hiện tại, chính phủ Nga vẫn đang cố gắng kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga đã thừa nhận rằng giá xuất khẩu dầu trung bình năm 2025 có thể chỉ đạt 60 USD/thùng, thay vì gần 70 USD/thùng như dự kiến. Điều này có thể khiến thâm hụt ngân sách tăng thêm khoảng 1% GDP (hơn 2 nghìn tỷ rúp).
Hơn nữa, những tác động gián tiếp từ chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, dự kiến sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025. Đối với Nga, tình hình ở Trung Quốc, đối tác kinh tế quan trọng nhất và là nước nhập khẩu dầu lớn nhất, có ý nghĩa đặc biệt. Sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc do thuế quan của Mỹ có thể làm giảm nhu cầu dầu và ảnh hưởng đến doanh số bán dầu của Nga.
Nếu giá dầu duy trì ở mức dưới 60 USD/thùng trong thời gian dài, Chính phủ Nga có thể sẽ buộc phải cắt giảm chi tiêu, chủ yếu là các khoản không liên quan đến quân sự. Điện Kremlin có lẽ chưa sẵn sàng sử dụng hết nguồn dự trữ, vốn đang là "phao cứu sinh" cho sự ổn định ngân sách. Với lãi suất cao ngất ngưởng hiện tại (21%), việc vay tiền trên thị trường cũng không phải là một giải pháp hiệu quả.
Có thể nói, sự tích tụ của các vấn đề kinh tế, cả về ngân sách và tăng trưởng chậm lại, các hạn chế từ phương Tây, đặc biệt là Liên minh châu Âu, thông qua việc thắt chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt, đang góp phần gia tăng áp lực kinh tế lên Nga, khiến Moskva đang đứng trước một bài toán khó khăn trong việc cân bằng giữa chi tiêu quân sự và ổn định kinh tế vĩ mô.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc (Theo osw.waw.pl/en)