Trong đó quyết nghị điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy quy định tại các Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/ 2025 của Chính phủ theo cơ chế thực hiện cải cách tiền lương.
Cụ thể, sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2024 của ngân sách Trung ương còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 là 15.710 tỷ đồng để Chính phủ bổ sung dự toán chi cho bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ. Bổ sung dự toán thu ngân sách Trung ương năm 2025 là 28.290 tỷ đồng từ nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương, đồng thời bổ sung tương ứng dự toán chi ngân sách trung ương năm 2025 để Chính phủ bổ sung dự toán chi cho bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Ảnh: Quang Vinh.
Nghị quyết cũng quyết nghị chuyển nguồn 6.623 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ còn lại sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy theo phê duyệt của các cấp thẩm quyền (ngoài chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động).
Về bố trí chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị thì trường hợp sau khi đã sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đảm bảo mức bố trí ít nhất 3% chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho nhiệm vụ nêu trên, cho phép Chính phủ điều chỉnh, sắp xếp trong phạm vi các khoản dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2025 chưa phân bổ đầu năm để thực hiện.
Nghị quyết giao Chính phủ khẩn trương tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tuân thủ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, pháp luật có liên quan, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất, tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện và Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Về giám sát và kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết, theo Nghị quyết được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Kiểm toán Nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tiếp sau đó, Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật được thông qua với 87,03% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.
Theo Nghị quyết này quyết nghị 8 nhiệm vụ, hoạt động được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt. Theo đó, nghiên cứu chiến lược, chính sách để xây dựng quan điểm, chủ trương, đường lối, định hướng về xây dựng pháp luật tại cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật quốc tế. Giải quyết tranh chấp quốc tế và xử lý các vấn đề pháp lý khác phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác xây dựng pháp luật; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
Đối thoại, giải quyết phản ánh, kiến nghị khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương. Đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành và nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ những vướng mắc, bất cập có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.
Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; thu hút, trọng dụng nhân tài, sử dụng chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật. Phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
Việt Thắng