Vẫn cố tình vi phạm
Dịp Tết vừa qua, dù lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền song vẫn có khá nhiều trường hợp xe khách chở quá số người quy định bị xử lý.
Xe khách 40 chỗ chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội nhồi nhét 56 người bị CSGT phát hiện lập biên bản ngày 3/2 vừa qua.
Điển hình trong số đó là khách biển kiểm soát 36H-085.XX, bị tổ công tác Đội 3, Cục CSGT phát hiện chở 56 người, trong khi xe chỉ có 40 chỗ khi đang lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - QL45 ngày 2/2 (mùng 5 Tết).
Ngoài việc chở quá số người so với quy định, tài xế không xuất trình được giấy phép lái xe. Với những lỗi trên, tài xế và chủ phương tiện bị xử phạt tổng số tiền 102 triệu đồng.
Tương tự, ngày 4/2, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, lực lượng CSGT cũng đã phát hiện và xử lý một xe khách của nhà xe Hà Vinh chở quá số người trên quốc lộ 1. Tiến hành kiểm tra thực tế trên xe, cảnh sát phát hiện số lượng hành khách trên xe là 56 người, trong khi xe chỉ có 40 chỗ ngồi.
Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết, Đội CSGT số 14 đã phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp xe khách chở quá số người quy định.
Theo một cán bộ CSGT, với các doanh nghiệp và tài xế vận tải, họ không thể không biết hành vi chở quá số người là vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, nguyên nhân là do nhà xe vì lợi nhuận nên bất chấp quy định. Một phần khác cũng do ý thức của người dân khi không có thói quen vào bến mua vé, tự ý bắt xe dọc đường.
"Nhà xe sẽ không phục vụ hành khách được chu đáo khi chở quá số người quy định. Nguy hiểm hơn, lúc này tải trọng xe sẽ tăng lên dẫn đến mất an toàn, dễ xảy ra tai nạn", ông Quyền phân tích.
Chở quá 1 người cũng bị phạt
So với quy định trước đây, hành vi chở quá số người quy định hiện có nhiều thay đổi.
Tổ công tác của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 niêm phong phương tiện chở quá số người.
Theo Nghị định 100/2019, tùy theo loại xe ô tô bao nhiêu chỗ ngồi thì xe đó được phép chở bấy nhiêu người. Xe dưới 10 chỗ ngồi được phép chở quá 1 người, từ người thứ 2 sẽ bị phạt. Xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ được phép chở quá 2 người, từ người thứ 3 sẽ bị phạt. Xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ được phép chở quá 3 người, từ người thứ 4 sẽ bị phạt. Xe trên 30 chỗ được phép chở quá 4 người, từ người thứ 5 sẽ bị xử phạt.
Tuy nhiên, với việc Nghị định 168/2024 có hiệu lực, quy định trên đã bị bãi bỏ. Hiện nay, xe ô tô chở quá số người so với số chỗ đăng ký là vi phạm.
Dịp tết Nguyên đán vừa qua, nhiều gia đình đi ô tô về quê cũng như tài xế chạy xe đường dài bất ngờ khi CSGT dừng xe, kiểm tra số người trên xe và nhắc nhở, tuyên truyền.
Anh Nguyễn Đức Huy (35 tuổi, Yên Hòa, Hà Nội) kể: "Ngày mùng 4 Tết tôi chạy xe 7 chỗ chở 7 người từ Phú Thọ xuống Hà Nội. Khi dừng xe kiểm tra, CSGT đã đếm số người trên xe và nhắc nhở rồi mời tiếp tục di chuyển".
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Minh (50 tuổi ở Hải Dương), tài xế chạy xe hợp đồng chở khách bị CSGT kiểm tra, lập biên bản vì quá 1 người so với số ghế trên đăng ký xe, chia sẻ: "Trước đây, khi chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ mới bị phạt. Nhưng quy định của Nghị định 168 thì quá 1 người cũng bị phạt".
Xử phạt nghiêm, tăng cường tuyên truyền
Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 168, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác để xử lý dứt điểm tình trạng ô tô chở quá số người quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, cần áp dụng công nghệ để giám sát chặt chẽ số lượng hành khách trên mỗi xe. Hiện nay, xe kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera và thiết bị giám sát hành trình, việc sử dụng hiệu quả dữ liệu này sẽ ngăn chặn kịp thời hành vi chở quá số người quy định, dừng đỗ bắt khách dọc đường ngay từ đầu.
GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT nhận định: "Không chỉ dựa vào xử phạt tài xế trên đường, cần đánh mạnh vào kinh tế của doanh nghiệp vận tải. Cần thiết có thể đình chỉ hoạt động xe vi phạm nhiều lần, rút giấy phép kinh doanh với những lỗi cố tình, gây nguy hiểm cho hành khách".
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình đánh giá, yếu tố quan trọng là thay đổi nhận thức của hành khách, biết từ chối lên các chuyến xe đã ngồi đủ ghế. Nếu hành khách không bắt xe dọc đường, nhà xe dù muốn cũng không thể nhồi nhét khách.
"Khi hành khách không thỏa hiệp với sự nhồi nhét, khi doanh nghiệp vận tải không dám đánh đổi tất cả lấy lợi nhuận thì những chuyến xe nhồi nhét sẽ không còn", ông Bình phân tích.
Nghị định 168/2024 quy định: Phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng đối với người điều khiển ô tô chở mỗi người vượt quá quy định. Bên cạnh đó, tài xế bị trừ 4 điểm GPLX nếu vượt 50-100% hoặc trừ 10 điểm GPLX nếu chở vượt trên 100% số người.
Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300km thực. Tuy nhiên, tổng mức phạt tối đa không vượt quá 75 triệu đồng.
Ngoài phạt người điều khiển, chủ xe cũng bị phạt tiền, số tiền phạt có quy định cụ thể trên mỗi người vượt quá cho lộ trình dưới 300km hoặc trên 300km. Trường hợp chở vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện thì bị tịch thu phương tiện.
Trần Duy