Ngành bán lẻ cần tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ

Ngành bán lẻ cần tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ
2 ngày trướcBài gốc
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.opMart Hà Đông (quận Hà Đông).
- Ông có thể cho biết những xu hướng chính đang định hình ngành bán lẻ Việt Nam?
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức.
- Xu hướng thấy rõ nhất là những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng tiện lợi, thông minh, nhanh chóng hơn. Thứ hai là xu hướng số hóa và đổi mới sáng tạo đã tạo ra những bước tiến mới trong thương mại hiện đại, đồng thời cũng ảnh hưởng đến cả thương mại truyền thống. Thứ ba là sau đại dịch, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, an toàn và phát triển bền vững. Điều này định hình lại hoạt động của các đơn vị bán lẻ, đặc biệt là từ năm 2025 này. Thứ tư là xu hướng tối ưu hóa hiệu quả và giá trị cho người tiêu dùng. Xu hướng này thúc đẩy các doanh nghiệp bán lẻ, cả hiện đại và truyền thống phải thay đổi về cấu trúc hàng hóa, cấu trúc tổ chức, mô hình hoạt động để mang lại hiệu quả và giá trị tốt hơn cho người tiêu dùng.
- Thực tế cho thấy, mô hình bán hàng đa kênh đang được phần lớn doanh nghiệp bán lẻ lựa chọn. Ông đánh giá ra sao về hướng phát triển này?
- Các doanh nghiệp bán lẻ nội địa hiện đang thực hiện mô hình bán lẻ đa kênh trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bán đa kênh có sự trải nghiệm liền mạch, đồng bộ với người mua. Tuy nhiên cần phải hướng đến dịch vụ bán lẻ được cá nhân hóa với từng đối tượng khách hàng theo hành vi mua sắm của họ.
Để phát triển hiệu quả, doanh nghiệp cần tận dụng thế mạnh sẵn có từ mô hình bán lẻ truyền thống, kết hợp với nền tảng công nghệ để mở rộng kênh bán hàng. Hơn thế, các doanh nghiệp bán lẻ Việt cần vận hành theo đặc thù riêng, dựa vào tính chất, đặc điểm của sản phẩm, hàng hóa Việt để có hình thức phân phối trực tuyến và thương mại điện tử phù hợp.
- Ngành bán lẻ được đánh giá có tiềm năng bứt phá trong những năm tới nhưng còn đối mặt nhiều khó khăn. Ông cho biết cụ thể hơn?
- Mặc dù ngành bán lẻ được đánh giá là có tiềm năng bứt phá trong những năm tới, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức cần vượt qua. Các doanh nghiệp bán lẻ nội địa có đặc điểm là phát triển tại thị trường trong nước và từ truyền thống đi lên nên ít nhiều vẫn có sức ỳ nội tại cũng như còn chậm thay đổi và phát triển.
Quá trình thích ứng với những xu hướng phát triển lớn trên thế giới của doanh nghiệp bán lẻ nội còn chậm do thiếu kinh nghiệm và chưa có sự chuẩn bị bài bản. Các ngành, lĩnh vực hỗ trợ bán lẻ, logistics chưa phát triển đồng bộ đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Cùng đó là sự thiếu đồng bộ từ sản xuất tới tiêu thụ, phân phối, bán lẻ, gây trở ngại cho việc tối ưu hóa chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm.
- Trước những xu hướng nêu trên cùng nhiều thách thức đặt ra, theo ông, các doanh nghiệp bán lẻ cần làm gì để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế?
- Doanh nghiệp cần rà soát và phát triển dựa trên năng lực cốt lõi của mình, tập trung khai thác những giá trị, lĩnh vực là thế mạnh thay vì mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Ưu thế của doanh nghiệp bán lẻ Việt là hiểu thị trường và người tiêu dùng Việt Nam.
Để phát triển trong kỷ nguyên mới, các doanh nghiệp bán lẻ cần có sự liên kết, hợp tác và sẻ chia hơn nữa, tạo nền tảng cộng hưởng giữa các doanh nghiệp nội địa, các hiệp hội, các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Từ đó tạo sức cạnh tranh cao hơn…
Các doanh nghiệp cũng cần có sự phát triển đồng đều ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, nhất là nhóm doanh nghiệp hỗ trợ cho bán lẻ, ngành logistics, các khâu liên quan đến sản xuất, giá trị tăng thêm trong chuỗi giá trị chung, với sự chuyên môn hóa một cách rõ ràng...
- Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam có những đề xuất và kế hoạch gì để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển mạnh mẽ hơn, thưa ông?
- Để ngành bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tạo cú hích cho tăng trưởng theo tôi có ba vấn đề cần tập trung xử lý. Thứ nhất là củng cố chỉ số niềm tin của người tiêu dùng trên hai khía cạnh là người tiêu dùng cá nhân phải có thu nhập để tăng sức chi tiêu hơn nữa. Cùng đó là sức khỏe của các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp vận hành trên thị trường Việt Nam cũng đóng vai trò thúc đẩy tiêu dùng.
Thứ hai cần tái cấu trúc ngành bán lẻ, trong đó doanh nghiệp bán lẻ tự định hướng lại các loại hình bán lẻ với chức năng, nhiệm vụ riêng để tham gia thị trường Việt Nam. Cần có tầm nhìn cụ thể như tỷ trọng thương mại điện tử bao nhiêu là phù hợp, tỷ trọng cửa hàng vật lý là bao nhiêu và phục vụ cho những phân khúc nào.
Thứ ba, cần tái cấu trúc chuỗi giá trị chung của hàng hóa Việt Nam và hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu được vận hành tại thị trường Việt Nam. Từ đó bảo đảm người tiêu dùng được nhận thêm những giá trị từ việc tái cấu trúc này. Thông qua đó phân công từng ngành, bảo đảm vai trò phát triển đồng bộ tại tất cả các ngành và thúc đẩy chung cho cả nền kinh tế.
Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, tham gia xây dựng, tham vấn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa để tạo sức mạnh chung. Ngoài ra, hiệp hội sẽ nắm bắt xu hướng quốc tế, cập nhật thông tin cho doanh nghiệp bán lẻ nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Lam Giang thực hiện
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/nganh-ban-le-can-tiep-tuc-tai-cau-truc-manh-me-697380.html