Ngành Cảng biển Việt Nam tìm cơ hội trong thách thức trước làn sóng thuế quan Mỹ

Ngành Cảng biển Việt Nam tìm cơ hội trong thách thức trước làn sóng thuế quan Mỹ
4 giờ trướcBài gốc
Tác động thuế quan Mỹ tới ngành cảng biển
Theo bà Chế Thị Mai Trang - Trưởng phòng Phân tích Ngành hàng Công nghiệp, Công ty Chứng khoán HSC, về dài hạn, triển vọng ngành cảng biển Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực nhờ vào tiềm năng xuất khẩu tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường đang đối mặt với một số rủi ro, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Hiện Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và tương đương 17% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Các nhóm hàng chủ lực gồm máy móc, linh kiện điện tử, dệt may, da giày, gỗ, giấy và nông sản, trong đó nhiều ngành có tỷ trọng cao trong cơ cấu nhập khẩu của Mỹ.
Nguồn: Cục Hải quan.
Xét riêng trong ngành cảng biển, chuyên gia từ HSC đánh giá, mức độ ảnh hưởng từ chính sách thuế mới sẽ không đồng đều giữa các khu vực. Cụm cảng Cái Mép và Hải Phòng hiện là hai đầu mối xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Mỹ, chiếm tỷ trọng hàng hóa đáng kể trong tổng lượng container đi Mỹ từ Việt Nam.
Chuyên gia từ HSC chỉ ra rằng, Việt Nam chiếm thị phần lớn trong một số ngành: 11% linh kiện điện tử, 17% dệt may-da giày, 15% gỗ-giấy. Mặc dù Trung Quốc vẫn giữ thị phần lớn dù chịu thuế cao, điều này tạo cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt ở các ngành cạnh tranh như dệt may, da giày và gỗ.
Cảng nước sâu Lạch Huyện ở Hải Phòng ghi nhận sản lượng xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 900.000 TEU trong năm 2024, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Ngược lại, cảng Cái Mép đóng vai trò chủ lực với sản lượng khoảng 4 triệu TEU, chiếm 50-55% tổng lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Cấu trúc hàng hóa tại hai khu vực này cũng có sự khác biệt rõ rệt. Cảng Cái Mép chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm gỗ, dệt may, lốp xe và da giày, trong khi Hải Phòng tập trung vào hàng điện tử, dệt may và da giày.
“Mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào loại hàng hóa và khu vực cảng. Nếu các mặt hàng như gỗ vẫn duy trì mức thuế cạnh tranh, xuất khẩu từ các cảng như Cái Mép có thể ổn định sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp khai thác cảng” - chuyên gia từ HSC cho biết.
Bên cạnh đó, chuyên gia từ HSC cũng chỉ ra một yếu tố hỗ trợ là kỳ vọng Mỹ sẽ gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam nhằm cân bằng cán cân thương mại. Điều này không chỉ góp phần giảm thiểu tác động ròng từ chiều xuất khẩu, mà còn giúp duy trì hoạt động ổn định của các cảng biển. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang chủ động đa dạng hóa thị trường, mở rộng sang khu vực nội Á để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Doanh nghiệp Việt chuẩn bị tăng tốc xuất khẩu
Cũng theo chuyên gia từ HSC, một điểm đặc thù khác của ngành cảng biển là mức độ ảnh hưởng từ chính sách thuế thường nhẹ hơn so với các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. Trong bối cảnh thuế quan gia tăng, doanh nghiệp xuất khẩu có thể chấp nhận giảm biên lợi nhuận để duy trì sản lượng, từ đó giúp giảm thiểu sự sụt giảm hàng hóa thông qua cảng.
Do vậy, sản lượng hàng hóa qua cảng thường giảm chậm hơn so với kim ngạch xuất khẩu, giúp giảm nhẹ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp khai thác cảng.
Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, trong ngắn hạn, chính sách thuế mới của Mỹ có thể tạo ra hiệu ứng ngược - cụ thể là hiện tượng "front-loading", tức các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu trước thời điểm áp thuế. Hiện tượng này từng xuất hiện vào cuối năm 2018 khi Trung Quốc bị áp thuế, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt 19% trong nửa cuối năm.
Một xu hướng tương tự đang hình thành trong nửa đầu năm 2024, khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế bổ sung trị giá 18 tỷ USD đối với hàng Trung Quốc. Tác động dây chuyền đã khiến xuất khẩu Trung Quốc tăng mạnh, kéo theo giá cước vận tải container leo thang đáng kể.
Đối với Việt Nam, theo chuyên gia từ HSC, dấu hiệu chuẩn bị cho đợt tăng tốc xuất khẩu đã rõ nét, khi kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu tháng 4/2024 tăng tới 15%, vượt xa mức dự báo 10%. Điều này cho thấy tâm thế chủ động của các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị nguyên liệu, đẩy nhanh sản xuất, tận dụng thời gian trước khi chính sách thuế chính thức có hiệu lực - dự kiến từ tháng 7.
Về trung hạn, nếu thuế với hàng Trung Quốc tiếp tục ở mức cao, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh nhờ chi phí sản xuất thấp hơn. Tuy vậy, quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ cần thêm thời gian để định hình rõ nét. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như điểm đến thay thế tiềm năng, đặc biệt nếu doanh nghiệp duy trì được chi phí hợp lý và đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Nhìn về cơ hội với ngành cảng biển, dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Gemadept, ngành cảng biển Việt Nam không tránh khỏi những tác động từ thuế quan Mỹ do nền kinh tế xuất khẩu và sự suy giảm thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường và giảm phụ thuộc vào các tuyến thương mại dễ bị tổn thương. Dù đối diện với khó khăn, đại diện Gemadept vẫn lạc quan về tiềm năng dài hạn nhờ vào chính sách linh hoạt, khả năng thích ứng và sự phát triển của thị trường nội địa.
Thu Hương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-cang-bien-viet-nam-tim-co-hoi-trong-thach-thuc-truoc-lan-song-thue-quan-my-175377.html