Ngành cao su thiên nhiên tăng trưởng giữa biến động toàn cầu: Những cổ phiếu nào nổi bật với biên lợi nhuận gộp lý tưởng?

Ngành cao su thiên nhiên tăng trưởng giữa biến động toàn cầu: Những cổ phiếu nào nổi bật với biên lợi nhuận gộp lý tưởng?
7 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo cập nhật ngày 2/7 của chứng khoán Phú Hưng (PHS), giá bán bình quân cao su SVR10 trong quý II/2025 tại Việt Nam dao động từ 1,78–1,8 USD/kg, tăng 8% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp đạt mức giá bán vượt 2 USD/kg trong tháng 5 như DRI (2,08 USD/kg, +21,8% YoY) và DPR (1,99 USD/kg, +17,6% YoY).
Trong kịch bản cơ sở, giá SVR10 năm 2025 được dự phóng đạt 1,7 USD/kg. Với mức này, biên lợi nhuận gộp trung bình của các doanh nghiệp cao su niêm yết vẫn duy trì trên 20%, và có thể duy trì ổn định hoạt động ngay cả khi giá điều chỉnh về mốc 1,5 USD/kg.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu cao su cho sản xuất săm lốp tăng trưởng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2025, sản lượng sản xuất săm lốp tăng 12,8% tại Tây Ninh, 12,7% tại Đồng Nai và 26% tại Tiền Giang. Trên bình diện quốc tế, nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu năm 2025 được PHS dự báo tăng 1,3% so với năm trước, tập trung ở phân khúc lốp xe thay thế – chiếm khoảng 75–85% tổng tiêu thụ cao su tự nhiên. Trong khi đó, sản lượng tại các quốc gia cung ứng lớn như Bờ Biển Ngà đang tăng trưởng chậm lại, chỉ còn 1–3%/năm.
Bên cạnh đó, hiện tượng La Ninã có xác suất 40% xảy ra vào nửa cuối năm 2025 – 2026, có thể gây ảnh hưởng đến mùa vụ khai thác tại Đông Nam Á – khu vực chiếm hơn 90% sản lượng cao su toàn cầu. Điều này đặt ra rủi ro thiếu hụt nguồn cung trong trung hạn, đặc biệt trong bối cảnh tồn kho tại các nước sản xuất chủ lực đang ở mức thấp.
Tính đến tháng 6/2025, tổng diện tích cao su đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững VFSC/PEFC tại Việt Nam đã tăng lên 145.069,3 ha, so với 123.927,6 ha vào tháng 9/2024. Đáng chú ý, diện tích của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng bứt phá mạnh từ 8.000 ha lên 25.152,4 ha, trong khi Công ty CP Cao su Tân Biên (UpCOM: RTB) cũng mở rộng từ 4.426,1 ha lên 6.323,9 ha.
Các doanh nghiệp niêm yết như PHR tăng từ 2.791,6 ha lên 3.322,4 ha, còn DPR duy trì ở gần 10.000 ha (9.997,6 ha). Phần còn lại gồm 15 tổ chức với diện tích dao động từ 1.662,8 ha đến 17.334,7 ha.
Báo cáo của PHS cho biết, dù Việt Nam được xếp loại “rủi ro thấp”, trong tổng diện tích 910.000 ha cao su toàn quốc chỉ có 19,1% đáp ứng tiêu chuẩn EUDR (trong đó hộ tiểu điền 1,9%, doanh nghiệp niêm yết 3,6%, phần còn lại 13,6%), các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục EUDR sẽ được ưu tiên tham gia chuỗi cung ứng với giá bán cao hơn 0,15–0,3 USD/kg (+10–20%), khó bị cạnh tranh bởi hộ tiểu điền, và dự kiến ký kết nguồn hàng từ 2H25 để kịp đáp ứng quy định từ cuối năm, khi khách hàng không chỉ là nhà sản xuất nội địa xuất khẩu sang EU mà còn các đơn vị sản xuất lốp xe, sản phẩm cao su tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia…
Các doanh nghiệp như TRC, DRI, PHR và DPR nằm trong số ít đơn vị đã sở hữu diện tích rừng đạt chứng chỉ bền vững, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận thị trường EU và hưởng lợi từ mức giá bán cao hơn. Nhóm cổ phiếu ngành cao su thiên nhiên hiện được đánh giá có triển vọng tăng giá tích cực trong bối cảnh định giá còn ở mức chiết khấu và biên lợi nhuận duy trì cao.
Danh mục cổ phiếu khuyến nghị. Ảnh: PHS
Công ty CP Cao su Tây Ninh (TRC) chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần từ ngày 28/12/2006 với vốn điều lệ 300 tỷ VND. Hiện TRC sở hữu hơn 7.000 ha cao su tại Tây Ninh, vận hành hai nhà máy chế biến mủ cốm và hai dây chuyền ly tâm hiện đại; bên cạnh đó, công ty còn quản lý gần 6.500 ha cao su ở Campuchia. TRC bắt đầu niêm yết trên HSX từ năm 2007, định vị là một trong những đơn vị hàng đầu về công nghệ chế biến mủ và quỹ đất vùng nguyên liệu.
PHS khuyến nghị MUA cổ phiếu TRC với giá mục tiêu 94.700 đồng/cổ phiếu, tương đương tiềm năng tăng giá 45,1% (bao gồm 3,7% tỷ suất cổ tức FY24, tức 2.500 đồng/cổ phiếu chi trả năm 2025), nhờ tăng trưởng EPS năm 2024 dự phóng đạt 227% và biên lợi nhuận gộp năm 2024 ở mức 36,4%.
Ảnh: PHS
Trong chu kỳ kinh doanh mới, PHS kỳ vọng TRC sẽ giao dịch quanh mức P/E trung vị 10,2x, khi thị trường bớt bi quan về giá cao su thực tế đang được doanh nghiệp khai thác, và trong kịch bản cơ sở với giá cao su 1,7 USD/kg cùng triển vọng bồi thường từ KCN Hiệp Thạnh vào năm sau, lợi nhuận sau thuế của TRC dự báo tăng 15,3% YoY năm 2025 và 18,3% YoY năm 2026.
Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác, chế biến mủ cao su và cây ăn quả. Thông qua công ty con, DRI hiện đang quản lý vườn cao su trải rộng 8.810,5 ha tại hai tỉnh Chăm Pa Săk và Salavane (Lào). Công ty tập trung sản xuất ba chủng loại chính gồm SVR3L, SVR10 và SVR60, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong khuyến nghị đầu tư của PHS, DRI được đưa vào danh mục “MUA” với giá mục tiêu 18.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tiềm năng tăng 44,5% (bao gồm 3,9% cổ tức tiền mặt). Năm 2025, DRI đặt kế hoạch doanh thu 612,9 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế dự kiến giữ ở mức 110,4 tỷ đồng – tương đương kết quả FY24. Công ty cũng cam kết chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 9% trên lợi nhuận FY24.CTCP Cao su Phước Hòa (HSX: PHR) được PHS khuyến nghị với giá mục tiêu cho năm 2025 là 72.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá 21,6% (bao gồm tỷ suất cổ tức tiền mặt 2,2% dự kiến chi trả trong năm nay). Trong quá khứ, mỗi khi PHR ghi nhận nguồn thu đột biến từ các dự án đền bù đất—như KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 năm 2020 và KCN VSIP III giai đoạn 2023–2024—cổ phiếu này từng giao dịch ở vùng P/B 2,4x–2,6x (tức +1 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm) đi kèm tỷ suất ROE dao động 20%–35%.
Dựa trên triển vọng thu nhập từ dự án Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 (786 ha) giai đoạn 2025–2027, chúng tôi ước tính PHR có thể duy trì P/B mục tiêu 2,4x–2,6x, tương ứng mức giá 72.800–78.800 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2025. Dự án này dự kiến mang lại hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu đền bù trong FY25–27, giúp PHR ghi nhận lợi nhuận cao nhất kể từ khi niêm yết.
Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 (Bình Dương) có quy mô 786 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 8 năm nay, dự án kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho hơn 32.000 lao động.
Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 18/06 của UBND tỉnh Bình Dương, Dự án Khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí cho THADICO Bình Dương có diện tích 786 ha sẽ bắt đầu khởi công vào tháng 8/2025. Đây chính là tiền đề để PHR thu về nguồn thu bồi thường đất quy mô lớn và tiếp tục duy trì biên lợi nhuận cao từ mảng cao su.
CTCP Cao su Đồng Phú (HSX: DPR) hiện giữ khuyến nghị với giá mục tiêu 43.500 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá 9,6% (bao gồm 4,8% cổ tức tiền mặt FY24).Theo báo cáo cập nhật tháng 6/2025, DPR đang quản lý 9.997,6 ha cao su đã được cấp chứng chỉ VFSC/PEFC – giúp doanh nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo quy định EUDR của Liên minh châu Âu.
Ngoài các yếu tố nội tại doanh nghiệp, câu chuyện chuyển đổi đất được đánh giá sẽ là động lực tăng trưởng bổ sung cho các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn. Ước tính giá trị thu nhập từ chuyển đổi có thể đạt tối thiểu 0,4 tỷ đồng/ha.
Các doanh nghiệp được nhận diện có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này gồm GVR, PHR và TRC. Định giá nhóm cổ phiếu ngành cao su hiện đang chiết khấu so với trung bình lịch sử, trong khi tỷ suất cổ tức tiền mặt của các doanh nghiệp dao động từ 6% đến 10% mỗi năm.
Nga Chen
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/nganh-cao-su-thien-nhien-tang-truong-giua-bien-dong-toan-cau-nhung-co-phieu-nao-noi-bat-voi-bien-loi-nhuan-gop-ly-tuong.html