Ngành công nghiệp Halal toàn cầu chao đảo trước thuế quan Mỹ

Ngành công nghiệp Halal toàn cầu chao đảo trước thuế quan Mỹ
9 ngày trướcBài gốc
Nhà báo Hafiz Maqsood Ahmed (*) đưa ra nhận định trên trong bài viết về tác động của thuế quan Mỹ đối với ngành công nghiệp Halal toàn cầu, đăng tải trên The Halal Times ngày 2/4.
Ảnh chụp màn hình bài viết trên The Halal Times.
Theo tác giả, ngành công nghiệp Halal hiện không còn là một thị trường nhỏ lẻ mà đang dần trở thành một trọng tâm mới trong nền kinh tế toàn cầu. Thị trường thực phẩm Halal đang được dự báo đạt quy mô 4.600 tỷ USD vào năm 2030 nhờ dân số Hồi giáo trẻ và đang tăng nhanh, cũng như sự quan tâm của người tiêu dùng không theo đạo Hồi đối với chất lượng và vệ sinh. Trong hệ sinh thái khổng lồ của ngành Halal, Mỹ đóng vai trò là một nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm được chứng nhận Halal, đặc biệt là thịt bò, thịt gia cầm, ngũ cốc tới các thị trường như Indonesia, Malaysia và các quốc gia vùng Vịnh.
"Cú đấm" vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu
Ông Hafiz Maqsood Ahmed đánh giá, các biện pháp thuế mới mà Tổng thống Donald Trump công bố vào đầu năm 2025, bao gồm thuế 25% với hàng hóa từ Canada và Mexico, cộng thêm 10% với hàng hóa Trung Quốc, đã gây ra một “cơn địa chấn” với ngành Halal. Đặc biệt, việc ông Trump úp mở rằng Nhà Trắng có thể đánh thuế trả đũa dựa trên mức thuế các nước áp lên hàng Mỹ đang tạo nên làn sóng hoang mang trong giới doanh nghiệp Halal. Vị chuyên gia lý giải rằng chuỗi cung ứng Halal vốn phức tạp và có hệ thống xuyên quốc gia đang đứng trước nguy cơ bị đứt gãy và “chỉ cần một mắt xích lệch nhịp, toàn bộ hệ thống có thể chao đảo”.
Không chỉ dừng ở câu chuyện giá cả, theo ông Hafiz Maqsood Ahmed, các mức thuế còn gây ra sự xáo trộn trong quá trình giám sát và chứng nhận Halal, một hệ thống được các tổ chức như IFANCA xây dựng công phu qua nhiều năm. Nếu các nhà cung ứng buộc phải thay đổi địa điểm chế biến thì toàn bộ chuỗi chứng nhận phải được rà soát lại, vừa tốn thời gian, vừa tăng rủi ro sai sót. Chỉ một sơ suất nhỏ, điển hình như vụ bê bối thịt lợn gắn mác Halal tại châu Âu trước đây, có thể phá hủy hoàn toàn lòng tin của người tiêu dùng.
Các mức thuế mới có thể gây ra sự xáo trộn trong quá trình giám sát và chứng nhận Halal. (Nguồn: Hội đồng thực phẩm Halal Mỹ)
Những “nạn nhân” đầu tiên
Phần lớn thịt bò có chứng nhận Halal của Mỹ được xử lý tại các nhà máy ở Canada trước khi đến tay người tiêu dùng Hồi giáo ở Trung Đông. Việc áp thuế 25% khiến chi phí tăng vọt, buộc các nhà máy chế biến tại Canada phải đẩy giá cao khi bán ra thị trường hoặc phải chuyển hướng sang nguồn cung rẻ hơn như Brazil. Mexico, quốc gia đang nổi lên trong sản xuất gà Halal, cũng chịu thiệt hại khi mức thuế mới làm xáo trộn lợi thế thương mại từng có từ Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Ông Ahmed cho biết các nhà xuất khẩu Mexico đang loay hoay tìm thị trường thay thế, nhưng quy trình cấp chứng nhận Halal không hề dễ dàng và nhanh chóng.
Tương tự, dù không phải là một cường quốc Halal, Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nguyên liệu, đặc biệt là đậu nành cho thức ăn chăn nuôi và bao bì cho sản phẩm Halal. Mức thuế bổ sung 10% lên hàng Trung Quốc có thể khiến giá thành đầu vào của thịt Halal tăng lên, từ đó đẩy giá cao các sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Nguy cơ phản tác dụng
Ông Hafiz Maqsood Ahmed chỉ ra rằng những người chịu ảnh hưởng rõ nhất chính là nông dân, nhà chế biến và các tổ chức chứng nhận Halal tại Mỹ. Hàng ngàn việc làm tại các bang như Texas, Iowa hay New Jersey đang đối mặt với nguy cơ mất đi nếu đơn hàng sụt giảm do chi phí tăng cao.
Hiệp hội Halal Mỹ ước tính nước này xuất khẩu 5 tỷ USD hàng hóa Halal mỗi năm, và sự việc vừa qua có thể khiến con số này giảm một nửa. Các quốc gia có dân số Hồi giáo đông đảo ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia đang tiêu thụ lượng sản phẩm Halal khổng lồ nhập khẩu từ Mỹ. Nếu giá các sản phẩm này tăng lên, người tiêu dùng ở các nước này có thể chuyển sang sử dụng sản phẩm nội địa hoặc sản phẩm từ các đối thủ cạnh tranh lớn với Mỹ như Brazil hay Australia. Cụ thể, Brazil hiện là nhà xuất khẩu Halal lớn nhất thế giới, đạt 15 tỷ USD mỗi năm và có năng lực sản xuất lớn tại São Paulo, trong khi đó thịt bò và cừu của Australia cũng được ưa chuộng tại các quốc gia vùng Vịnh.
Nhà báo Hafiz Maqsood Ahmed đưa ra các giải pháp cho Mỹ, trong đó trước mắt các doanh nghiệp Halal Mỹ có thể vận động hành lang để được miễn trừ thuế, như trường hợp Apple từng thành công trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump. Về dài hạn, ông Ahmed đề xuất đa dạng hóa nguồn cung từ các khu vực miễn thuế như ASEAN và tối ưu hóa hệ thống chứng nhận để giảm chi phí. Ngoài ra từ Tuy nhiên, ông Ahmed cũng chỉ ra rằng, giải pháp căn cơ nhất vẫn phải thông qua đàm phán thương mại.
Theo tác giả bài viết, ngành Halal có sức “đề kháng” mạnh mẽ khi từng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn trong quá khứ và hoàn toàn có khả năng thích ứng với cú sốc thuế quan từ Mỹ, bởi cốt lõi của Halal, là đức tin và chất lượng, vẫn sẽ được duy trì. Mặc dù vậy, ông cũng nhận định những tháng tới sẽ mang tính chất quyết định, khi các chính sách thuế quan mới trong tháng Tư có thể tái định hình toàn bộ cục diện thương mại toàn cầu, với hệ lụy trải rộng trên nhiều lĩnh vực và quốc gia.
(*) Tác giả là Tổng biên tập The Halal Times, người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí và theo dõi sát sao nền kinh tế Hồi giáo toàn cầu.
Việt Hoàng
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/nganh-cong-nghiep-halal-toan-cau-chao-dao-truoc-thue-quan-my-310389.html