Ngành công nghiệp niken gặp khó

Ngành công nghiệp niken gặp khó
15 giờ trướcBài gốc
Là quốc gia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới, Indonesia đã đầu tư mạnh tay để đáp ứng nhu cầu tăng cao đối với kim loại quan trọng đối với thép không gỉ và pin xe điện.
Nhưng sự gia tăng nguồn cung đã khiến giá niken xuống mức thấp nhất trong 5 năm, gây tổn hại cho các đối thủ cạnh tranh toàn cầu và đồng thời tác động tiêu cực tới cả Indonesia trong những tháng gần đây.
Jim Lennon, nhà phân tích tại Macquarie cho biết: "Những gì Indonesia đã làm là mở rộng quá mức". Ông ước tính rằng Indonesia có 1,5 triệu tấn niken tinh chế đang được sản xuất, ngoài 2,2 triệu tấn mà nước này đã sản xuất vào năm ngoái.
Theo Macquarie, Indonesia đã nhanh chóng chiếm giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường tinh chế niken, kiểm soát gần 2/3 nguồn cung kim loại tinh chế toàn cầu, tăng từ mức chỉ 6% của một thập kỷ trước. Nhưng hiện tại, Indonesia không thể đáp ứng nhu cầu quặng từ số lượng ngày càng tăng các nhà máy tinh chế.
Diễn biến giá niken tại Sàn giao dịch kim loại London
Trong khi sản lượng niken tinh chế chung của Indonesia vẫn đang mở rộng - với dự kiến Indonesia sẽ kiểm soát 75% nguồn cung toàn cầu vào cuối thập kỷ này - một số nhà sản xuất đang đóng cửa các nhà máy tinh chế và cắt giảm sản lượng.
Một quan chức chính phủ Indonesia cho biết: "Nguồn cung từ hoạt động khai thác của chúng tôi hiện rất hạn chế so với nhu cầu từ các nhà máy luyện kim và cơ sở tinh chế…Sẽ có sự chọn lọc tự nhiên của các nhà máy luyện kim".
Trong khi đó, các cơ sở niken cung cấp cho thị trường thép không gỉ đã bị ảnh hưởng đặc biệt. Hầu hết niken tinh chế được dùng để sản xuất thép không gỉ và một số nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, bao gồm Tập đoàn Tsingshan Holding của Trung Quốc cũng đã cắt giảm sản lượng trong những tháng gần đây.
Theo Hiệp hội khai thác niken Indonesia (APNI), Indonesia có 49 lò điện quay (RKEF) để biến quặng niken thành nguyên liệu thô sản xuất thép và 5 nhà máy ngâm axit áp suất cao (HPAL) chuyển quặng niken cấp thấp thành loại cao cấp để sản xuất pin.
Theo APNI, 35 nhà máy RKEF và 3 nhà máy HPAL khác đang được xây dựng, trong khi giấy phép cho 55 cơ sở tinh chế bổ sung đã được cấp.
Nhưng sự cạnh tranh về nguồn cung cũng đã đẩy giá quặng niken thô trong nước tại Indonesia lên cao, làm tăng chi phí sản xuất và làm giảm biên lợi nhuận của các nhà tinh chế. Indonesia gần đây đã tăng thuế suất đối với các nhà sản xuất kim loại nhằm tăng doanh thu, gây thêm áp lực cho các nhà tinh chế. Hơn nữa, mưa lớn tại đảo Sulawesi sản xuất niken cũng đã ảnh hưởng đến nguồn cung quặng niken trong năm nay.
Meidy Katrin Lengkey, Tổng thư ký của APNI cho biết, nhiều nhà máy luyện kim RKEF không còn có lãi nữa. Bà cho biết nếu áp lực giá cả và tình trạng thiếu quặng vẫn tiếp diễn, "các nhà máy luyện kim nhỏ hơn sẽ phải đóng cửa".
Một rủi ro khác là nhu cầu pin xe điện đang suy yếu. Tăng trưởng doanh số bán xe điện toàn cầu đang chậm lại và pin niken đang mất thị phần vào pin lithium sắt phosphate có giá rẻ hơn.
Do đó, APNI và các bên liên quan khác trong ngành đã kêu gọi chính phủ ngừng phê duyệt các khoản đầu tư niken mới để bảo vệ quyền tiếp cận nguồn cung của các bên liên quan hiện tại.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-cong-nghiep-niken-gap-kho-post372792.html