Đứng trước nhiều cơ hội với hàng loạt dự án đầu tư
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, với sự tham gia của hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Mặc dù cơ hội để phát triển là rất lớn, tuy nhiên những thách thức, khó khăn cũng không nhỏ.
Thời gian qua, nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor... đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hang tỷ USD. Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về ngành bán dẫn… đầu tư vào Việt Nam là tín hiệu đáng mừng.
Được hưởng lợi từ những thay đổi toàn cầu, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội. Điển hình, Samsung đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn từ Hà Lan cũng đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2025.
Vá “lỗ hổng” nhân lực
Tuy sở hữu nhiều lợi thế, nhưng Việt Nam cũng có những thách thức phải đối mặt để thu hút nhà đầu tư, trong bối cảnh nhiều quốc gia cũng đang đẩy mạnh thu hút ngành này. Việt Nam đang thiếu kỹ sư trình độ cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Thực tế cho thấy, không có nguồn nhân lực chất lượng sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư từ các công ty lớn.
Thực tế, cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, nhóm chỉ số cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chỉ đứng thứ 71/132 quốc gia. Thách thức nữa đối với ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự thiếu hụt nhân tài có kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến là một rào cản rất lớn.
Báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40-50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn chỉ đáp ứng khoảng 20%.
Phân tích sâu hơn, ông Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) nhìn nhận, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đòi hỏi rất nhiều công đoạn phức tạp, đầu tư lớn và trình độ nguồn nhân lực rất cao, đặc biệt là trong khâu thiết kế. Trong ngành công nghiệp bán dẫn, quy trình sản xuất gồm các khâu là thiết kế, sản xuất và đóng gói, kiểm tra. Việt Nam đã tham gia ngành công nghiệp bán dẫn từ rất lâu nhưng chỉ được ở khâu đóng gói, kiểm tra cho một số nhà sản xuất chíp như intel... Chíp bán dẫn có rất nhiều chủng loại, tính năng và độ phức tạp khác nhau, Việt Nam chỉ mới đáp ứng được trong khâu đóng gói các loại chíp đơn giản.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho hay, ngành công nghiệp bán dẫn liên quan đến nhiều mảng, từ đầu tư sản xuất đến xử lý quy trình công nghệ, cập nhật công nghệ. Do đó, nhân lực cho ngành này không phải chỉ cần kỹ sư thiết kế vi mạch, như thế là chưa đủ và sẽ thiếu tính trọng tâm. Vai trò của các kỹ sư thiết kế rất quan trọng, song việc hiểu biết quy trình công nghệ sản xuất bán dẫn còn quan trọng hơn, vì tốc độ thay đổi công nghệ trong ngành này cực nhanh.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để phát huy những tiềm năng hiện có, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành bán dẫn. Với những nỗ lực này, Việt Nam có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trên thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bán dẫn là công nghệ lõi, đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất các thiết bị điện tử hiện đại thông qua việc cung cấp các linh kiện bán dẫn thiết yếu như bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ dữ liệu...Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SIA, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, tăng 14% so với năm 2023.
Vũ Phong Cầm