Ngành Công Thương - ngành Nông nghiệp: Khai thác dư địa hợp tác, phát triển thị trường cho hàng hóa Việt

Ngành Công Thương - ngành Nông nghiệp: Khai thác dư địa hợp tác, phát triển thị trường cho hàng hóa Việt
5 giờ trướcBài gốc
Chiều 23/12/2024, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng cho biết, với sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo Bộ Công Thương, ngành Công Thương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, giúp ngành Nông nghiệp phát triển vượt bậc, góp phần vào mức tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng trên 3,2%, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương
Theo ông Võ Văn Hưng, Bộ Công Thương đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm nước ta đến với bạn bè năm châu. Với việc kết hợp nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu quốc gia, các mặt hàng nông sản Việt Nam đã tiếp cận được với khách hàng quốc tế và có chỗ đứng trong thị trường xuất khẩu.
Đồng tình với định hướng và các báo cáo của Bộ Công Thương, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra một số đề xuất đối với các Bộ, ngành liên quan:
Thứ nhất, tích cực chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Công Thương, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người nông dân và doanh nghiệp, tích hợp thị trường nông sản trên nền tảng số và tăng cường trích xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.
Thứ hai, phát triển hạ tầng thương mại cho nông sản, xây dựng chợ đầu mối và các kho bảo quản hàng nông sản. Đồng thời, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics...
Thứ ba, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt đàm phán mở rộng các thị trường tiềm năng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Đây là dư địa hợp tác quan trọng giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Công Thương cần được khai thác, bên cạnh đó tạo tiền đề để bảo vệ nông sản Việt Nam khỏi những rào cản của thị trường quốc tế.
Thứ tư, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
"Trên tinh thần ấy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Công Thương để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững và hội nhập sâu vào thị trường toàn cầu, góp phần tạo động lực phát triển nền kinh tế chung của đất nước", Thứ trưởng Võ Văn Hưng khẳng định.
Tiến Thành
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/nganh-cong-thuong-nganh-nong-nghiep--khai-thac-du-dia-hop-tac--phat-trien-thi-truong-cho-hang-hoa-viet-131536.htm