Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn: Ngành công thương đóng góp quan trọng, toàn diện cho thành công chung của cả nước - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Năm 2024, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Qua đó tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; bảo đảm an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào...
Đặc biệt, ngành Công Thương đã hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 với hàng loạt kỷ lục, cùng nhiều dự án năng lượng trọng điểm. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế, với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công nhiều thị trường tiềm năng lớn; thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc với mức 9%, ổn định cung - cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của Việt Nam...
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên.
Đối với Thái Nguyên, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp Trung ương ước đạt 26,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3%; công nghiệp địa phương ước đạt 45 nghìn tỷ đồng, tăng 7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 79,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3%, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4%; kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 76,4 nghìn tỷ đồng (chiếm trên 96% tỷ trọng), tăng 18,5%...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Công Thương trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Cùng với đó, việc tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong nước. Qua đó góp phần tạo sự ổn định và thúc đẩy nền kinh tế đất nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 8% để tạo đà bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, ngành Công Thương cần phát huy vai trò tiên phong trong phát triển; tổ chức triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách mới được ban hành và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách mới về phát triển năng lượng; triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư; đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước, phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử...
Dương Hưng