Ngành Công Thương tăng tốc chuyển đổi số, làm chủ công nghệ

Ngành Công Thương tăng tốc chuyển đổi số, làm chủ công nghệ
4 giờ trướcBài gốc
Tăng tốc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới
Báo cáo tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công tổ chức chiều 19/5, ông Phan Đăng Phong, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) đã thông tin về tình hình hoạt động của Câu lạc bộ các Viện nghiên cứu ngành Công Thương.
Theo đó, Câu lạc bộ các Viện nghiên cứu ngành Công Thương gồm 21 Viện, 11 đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các đơn vị còn lại thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Hiện nay, câu lạc bộ còn 19 đơn vị, do 2 đơn vị (Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp và Công ty Cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt May) chuyển đi.
Ông Phan Đăng Phong, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí. Ảnh: Thanh Tuấn
Thông tin về công tác chuyên môn, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, trong năm 2024, câu lạc bộ và các viện đã tích cực tham gia, phối hợp, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn cùng Vụ Khoa học và Công nghệ (nay là Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công).
Một số hoạt động chính như: Tích cực tham gia, góp ý trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình khoa học và công nghệ; Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi); Nghị định 95/2014/NĐ-CP…
Ngoài ra, các viện trực tiếp chủ trì hoặc tham gia xây dựng hơn 20 cơ chế, chính sách, quy hoạch, tiêu chuẩn phát triển ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Trong đó có thể kể đến một số nhiệm vụ điển hình như: Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII; Đề án Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lập báo cáo kinh nghiệm quốc tế và triển vọng phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam làm cơ sở để các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…
Thông tin thêm, ông Phong cho biết, các viện cũng thực hiện nhiệm vụ như: Xây dựng đề án phát triển thiết bị cơ khí điện nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo cho các khu vực ven biển, hải đảo Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Trong công tác nghiên cứu, tiếp thu và làm chủ công nghệ, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho hay, đây là lĩnh vực luôn được các Viện quan tâm thực hiện, đặc biệt nhằm thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, các Viện đã đầu tư nguồn lực để tiếp cận, giải mã, mua và làm chủ nhiều công nghệ nền tảng.
Trong đó, nhiều công trình nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đạt hiệu quả cao, góp phần tăng tính tự lực tự cường cho doanh nghiệp nội địa ở một số lĩnh vực nền tảng, có thể kể một số công trình nghiên cứu thành công điển hình như:
Hoàn thành mua và tiếp nhận chuyển giao công nghệ các thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện trong nước. Sản phẩm đã được ứng dụng tại hơn 29 dự án vừa và lớn trong đó có dự án Thủy điện Sơn La và Lai Châu. Góp phần giảm giá thành ít nhất 30% so với thời điểm chưa tự chủ được, tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước.
Thúc đẩy nội địa hóa sản xuất
Theo Viện trưởng Phong, nhiều công nghệ khác đã được các viện, nghiên cứu và làm chủ trong thời gian gần đây trong ngành cơ khí đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nhập siêu và nâng cao tỷ lệ chế tạo trong nước như: Tiếp thu và làm chủ công nghệ các thiết bị nhà máy điện sử dụng nhiệt dư tại các nhà máy xi măng Hoàng Mai, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn
Thiết kế, chế tạo, tích hợp, lắp đặt, hướng dẫn vận hành các dây chuyền thiết bị, đồ gá hàn các dòng xe ô tô điện của VinFast (như các dòng xe: VFe34; VF8; VF9; VF5; VF6; VF7; VF3); các dự án tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy trình sản xuất tại các nhà máy công nghiệp của Vinachem.
Bên cạnh đó, trong công bố khoa học, giải thưởng, các giải pháp hữu ích và sáng chế trong giai đoạn 2020-2025, các viện đã công bố gần 600 bài báo khoa học quốc tế và hàng nghìn bài báo trong nước, sách chuyên khảo và tài liệu tham khảo.
Đồng thời, sản phẩm khoa học của các viện cũng đạt được hàng trăm giải thưởng về khoa học, công nghệ quốc tế và trong nước. Về giải pháp hữu ích và bằng sáng chế đã có hàng chục giải pháp hữu ích và bằng sáng chế được Cục sở hữu trí tuệ cấp cho các viện”, ông Phong nhấn mạnh.
Thông tin thêm về các hoạt động kết nối, giao lưu giữa các viện trong câu lạc bộ, Viện trưởng cho hay, các viện đã tăng cường trao đổi và phối hợp công tác chuyên môn trong thời gian qua.
Về một số thuận lợi, khó khăn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, hầu hết các viện đều ý thức được trách nhiệm trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu, tinh gọn tổ chức và nhân lực để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo ông Phong, kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên đã liên tục giảm trong thời gian qua, do đó, các viện luôn phải đặt sự quan tâm vào việc thực hiện các nhiệm vụ có khả năng thu được kinh phí ngay để duy trì sự tồn tại.
Sau khi có Nghị quyết 57/NQ-TW và các nghị quyết khác của Quốc hội cũng như các nghị định của Chính phủ liên quan, nguồn kinh phí dành cho khoa học, công nghệ sẽ được ưu tiên. Tuy nhiên các yêu cầu của nhiệm vụ phải gắn với các chương trình lớn của quốc gia và các công nghệ chiến lược, do đó các viện phải tập trung nguồn lực để có thể tham gia được”, Viện trưởng Phong bày tỏ.
Tại hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí đã có một số đề xuất, kiến nghị. Cụ thể, đối với các nhiệm vụ liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển ngành, ông Phong đề nghị Bộ căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của từng viện để giao nhiệm vụ giúp các viện có các đóng góp cụ thể hơn nữa trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách phục vụ phát triển ngành.
Ngoài ra, đề nghị Bộ quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu để hệ thống các viện thuộc Bộ có đủ năng lực R&D đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Công Thương, phát triển đất nước, có khả năng hội nhập về khoa học, công nghệ với khu vực và thế giới.
Tiên phong và triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Công Thương đã và đang đóng góp tích cực, đồng thời cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên giàu mạnh.
Thanh Bình
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-tang-toc-chuyen-doi-so-lam-chu-cong-nghe-388346.html