Tận dụng tốt các FTA
Chia sẻ bên lề Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương diễn ra chiều 23/12, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam - cho hay, da giày là ngành tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), đạt tới trên 96%. Đặc biệt tại thị trường EU, quy định về xuất xứ khá thuận lợi, ngành cũng chủ động được các nguyên vật liệu đầu vào, do đó đáp ứng tốt.
Các FTA khi thực thi đối với mặt hàng da giày, hầu như thuế suất về 0%, trừ mặt hàng giày da vào thị trường EU là có lộ trình nhưng hiện cũng đã giảm còn khoảng 3,5%. Đây cũng là một cơ hội tốt cho tăng trưởng xuất khẩu.
“Những hiệp định lớn như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... mặt hàng da giày đều tận dụng tốt và đạt tăng trưởng rất cao. Đáng nói, các hiệp định mở ra đến đâu mặt hàng da giày ngay lập tức đẩy mạnh được xuất khẩu sang thị trường đó”, bà Xuân nói.
Cũng chính bởi tận dụng tốt các FTA, năm 2024 ngành da giày tăng trưởng khá tốt, dự kiến xuất khẩu khoảng 27 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2023, đạt kế hoạch đề ra.
Ngành da giày đầu tư cho công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Ảnh: TT
Nói về triển vọng thị trường năm 2025, bà Xuân cũng cho hay, tiếp đà nửa cuối năm 2024, năm tới, đơn hàng có khả năng ổn định, tuy nhiên doanh nghiệp cần tái cấu trúc để không bị động trước biến động mới, nhất là sự thay đổi chính quyền ở Mỹ, bởi thị trường này chiếm gần 40% tỷ trọng xuất khẩu của ngành.
Sự gia tăng nhanh chóng của chi phí logistics cũng là một khó khăn lớn đối bởi, các thị trường xuất khẩu của ngành chủ yếu ở xa, như Mỹ và EU.
Cùng đó là những yêu cầu mới, như yêu cầu về xanh hóa, yêu cầu liên quan đến lao động đều đòi hỏi yêu cầu nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp. Một thách thức nữa là nguồn lao động đang ngày càng khan hiếm.
Trong khi đó, giá xuất khẩu hầu như không tăng, thậm chí còn bị ép giảm và giá sản xuất từ Trung Quốc được lấy làm cơ sở để đàm phán, điều này cũng tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ động nâng cao nội lực
Bên cạnh những thách thức, bà Xuân cũng chỉ ra những lợi thế của doanh nghiệp da giày Việt Nam. Trong đó, với tay nghề lao động cao, Việt Nam vẫn được chọn là điểm đến sản xuất uy tín của các nhãn hàng. Nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam cũng xác định tiếp tục gắn bó với ngành.
Cùng đó, doanh nghiệp da giày trong nước cũng đã chủ động nâng cao nội lực. Theo bà Xuân, trước kia, doanh nghiệp chỉ đơn thuần sản xuất, nguyên liệu, công nghệ phụ thuộc hoàn toàn vào nhãn hàng nhưng hiện nay dưới sức ép của chi phí tăng cao nếu vẫn phụ thuộc sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Do đó, để có đơn hàng, doanh nghiệp buộc phải thay đổi công nghệ và đầu tư để tạo ra hiệu quả và có đơn hàng.
Cùng đó, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu trong nước đã khả quan hơn, hiện đạt khoảng 50-55%. Ngành phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ nội địa hóa tăng lên 65 - 70% và đến năm 2030 đạt khoảng 80 - 85%.
Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, thời gian gần đây, Đảng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện tinh gọn bộ máy, hiệu quả tác động trực tiếp nhất tới doanh nghiệp là giảm thủ tục hành chính. “Việc giảm các đầu mối quản lý chắc chắn thủ tục hành chính cũng sẽ được cải thiện một cách đáng kể. Đó là một điểm sáng đáng mừng cho doanh nghiệp”, bà Xuân chỉ ra.
Việc tinh giản bộ máy cũng yêu cầu bản thân doanh nghiệp phải tái cấu trúc, nhất là về nhân sự để thích ứng, hoạt động hiệu quả hơn.
Da giày được xếp vào nhóm ngành xuất khẩu chục tỷ USD của cả nước, cùng các ngành hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương, lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận, bước sang năm 2025 bối cảnh thị trường được dự báo có nhiều biến động. Để đảm bảo giữ ổn định đà tăng trưởng xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu mặt hàng da giày, Bộ Công Thương đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tích cực triển khai đa đạng các hình thức (trực tiếp và trực tuyến) để giới thiệu lợi thế, ưu đãi từ FTA đã thực thi để tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao về triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 từng bước giải quyết bài toán phụ thuộc vào các công ty vận chuyển nước ngoài cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Hải Linh