Ngành đóng tàu chiến châu Âu: Cạnh tranh nhiều, hợp tác ít, xuất khẩu mờ mịt

Ngành đóng tàu chiến châu Âu: Cạnh tranh nhiều, hợp tác ít, xuất khẩu mờ mịt
một ngày trướcBài gốc
Đây là cảnh báo được đưa ra bởi đô đốc Nicolas Vaujour - Tham mưu trưởng hải quân Pháp, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Pháp vào tuần trước, theo Defense News.
Theo đô đốc Vaujour, châu Âu hiện có tới 14 xưởng đóng tàu hải quân đang cạnh tranh trực tiếp nhau. Trong khi điều này phản ánh sự đa dạng và năng lực công nghiệp của khu vực, nó cũng gây ra phân mảnh trong chiến lược, làm giảm sức mạnh cạnh tranh toàn cầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu (giữa) cùng CEO Naval Group, ông Pierre Eric Pommellet (thứ ba từ phải sang), đang xem xét mô hình tàu sân bay tại triển lãm Euronaval 2024, diễn ra gần Paris vào ngày 4.11.2024 - Ảnh: AFP
“Trong một thế giới lý tưởng, chúng ta chỉ nên có ba hoặc bốn xưởng đóng tàu đủ mạnh để cạnh tranh với nhau và cùng nhau chinh phục thị phần xuất khẩu”, ông Vaujour nói.
Để tiến tới sự hợp nhất cần thiết, Pháp và Ý từng kỳ vọng cao vào liên doanh Naviris, được thành lập năm 2020 giữa Naval Group (Pháp) và Fincantieri (Ý). Naviris được coi là bước đi đầu tiên hướng đến một nền công nghiệp đóng tàu hải quân châu Âu hợp nhất, tương tự mô hình thành công của hãng sản xuất máy bay Airbus. Tuy nhiên, theo đô đốc Vaujour, Naviris “đã không đạt được kỳ vọng”.
Dù Naviris giành được một phần hợp đồng trị giá 1,5 tỉ euro để nâng cấp khinh hạm lớp Horizon của Pháp và Ý vào năm 2023, nhưng sự hợp tác vẫn chưa tạo được bước đột phá thực sự về xuất khẩu hoặc sáp nhập thực chất giữa hai tập đoàn quốc phòng hàng đầu châu Âu. Lý do một phần đến từ sự khác biệt sâu sắc trong tư duy chiến lược và mô hình kinh tế giữa hai nước.
Bất đồng trong chiến lược
Đô đốc Vaujour chỉ ra rằng Pháp và Ý có cách tiếp cận rất khác nhau trong đóng tàu hải quân, đặc biệt là về thiết kế và quy mô. Pháp lựa chọn phát triển khinh hạm nhỏ gọn và linh hoạt, tiêu biểu là dòng Fregate de Defense et d’Intervention (FDI), có lượng giãn nước 4.500 tấn. Ngược lại, các tàu chiến mới của Ý như tàu tuần tra xa bờ PPA có lượng giãn nước tới 7.000 tấn và thiết kế khu trục hạm DDX lên tới 14.000 tấn.
“Chúng tôi cho rằng các thiết kế của Ý hơi quá lớn”, Vaujour nhận xét. Theo ông, khinh hạm FDI của Pháp phù hợp hơn với các quốc gia có lực lượng hải quân nhỏ hơn do chi phí thấp hơn, vận hành dễ dàng hơn và cần ít thủy thủ đoàn hơn. Điều này khiến FDI trở nên hấp dẫn với các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch, vốn đang tìm kiếm các giải pháp tàu chiến vừa phải, hiệu quả và giao hàng nhanh.
Không chỉ khác biệt về thiết kế, hai quốc gia cũng áp dụng mô hình kinh tế hoàn toàn khác nhau trong việc phát triển tàu chiến. Ý thường sản xuất số lượng lớn tàu cho chính hải quân của mình, từ đó tạo cơ sở để xuất khẩu nhanh hơn nhờ có sẵn sản phẩm và dây chuyền. Trong khi đó, Pháp lại tiếp cận thận trọng hơn, thường chỉ đóng tàu khi đã có đơn hàng xác định.
Để tăng tính linh hoạt, hải quân Pháp và Naval Group hiện đang thảo luận mô hình đóng “thân tàu trống”, tức là đóng sẵn phần thân khinh hạm FDI mà chưa cần xác định người mua. Nếu không có khách hàng nước ngoài, thân tàu này có thể đưa vào sử dụng trong Hải quân Pháp. Vaujour cho biết, hiện tại xưởng Lorient của Naval Group có thể đóng một FDI mỗi năm, và sẵn sàng mở rộng lên hai chiếc mỗi năm nếu cần thiết.
Tuy nhiên, mô hình thân tàu trống vẫn gây tranh cãi về mặt ngân sách. Tổng cục Vũ khí Pháp đánh giá cao ý tưởng này, nhưng Bộ Tài chính vẫn cần thuyết phục thêm vì rủi ro tài chính không nhỏ khi đầu tư trước mà chưa có hợp đồng xuất khẩu đảm bảo.
Bài toán chính trị
Vấn đề cốt lõi khiến quá trình hợp nhất ngành đóng tàu hải quân châu Âu gặp khó là lòng tự tôn và bảo vệ công nghiệp trong nước. “Chúng ta đều đồng ý rằng nếu phải chọn giữa Naval Group và Fincantieri, người Pháp sẽ chọn Naval Group, và người Ý dĩ nhiên sẽ chọn Fincantieri”, Vaujour thẳng thắn chia sẻ.
Không chỉ hai ông lớn này, Pháp còn có nhiều xưởng đóng tàu quy mô nhỏ như Piriou, Socarenam và CMN dọc bờ biển cần được bảo vệ và hỗ trợ phát triển. Điều đó khiến việc sáp nhập để tạo ra một "Airbus của ngành đóng tàu hải quân châu Âu" không thể dựa hoàn toàn vào ý chí chính trị. Thay vào đó, các doanh nghiệp phải tự nhìn thấy lợi ích thực sự trong hợp tác và chủ động sáp nhập nếu muốn tồn tại và phát triển.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nội tại, ngành đóng tàu hải quân Pháp vẫn đang tích cực tìm kiếm các hợp đồng quốc tế chiến lược. Một thỏa thuận mới giữa Naval Group và tập đoàn quốc phòng Kongsberg của Na Uy đang mở ra triển vọng xuất khẩu FDI cho hải quân hoàng gia Na Uy, trong bối cảnh Pháp cạnh tranh trực tiếp với các thiết kế tàu chiến của Anh, Đức và Ý.
Nếu Pháp giành được hợp đồng này, Kongsberg sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng, tạo ra sự chia sẻ lợi ích công nghiệp giữa hai nước. Đây có thể là một mô hình hợp tác khả thi, thay vì cố gắng ép buộc các quốc gia từ bỏ hoàn toàn lợi ích quốc gia để hòa nhập vào một thực thể chung.
Theo Vaujour, các đối tác quốc tế tiềm năng như Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch đều có cùng một câu hỏi khi tiếp cận với FDI: “Các anh có thể giao tàu cho chúng tôi sớm nhất vào lúc nào?”. Tốc độ sản xuất và năng lực cung ứng rõ ràng đang trở thành yếu tố then chốt trong các thương vụ quốc phòng hiện đại.
Với chiếc khinh hạm Amiral Ronarc’h - chiếc đầu tiên trong số 5 chiếc tàu FDI của Pháp, đã hoàn thành thử nghiệm trên biển, và chiếc HS Kimon dành cho Hy Lạp đã bắt đầu chạy thử từ ngày 21.5, Naval Group đang chứng minh rằng họ có thể biến cam kết thành sản phẩm cụ thể trong thời gian ngắn.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/nganh-dong-tau-chien-chau-au-canh-tranh-nhieu-hop-tac-it-xuat-khau-mo-mit-233069.html