Năm 2024 đã có hơn 500.000 lượt du khách Ấn Độ đến Việt Nam.
Những con số tích cực
Ngày 6-1 vừa qua, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đã công bố kết quả đón khách du lịch quốc tế trong năm 2024. Theo đó, toàn ngành đã đón được 17,5 triệu lượt khách (tăng trưởng 39,5%) và đạt mục tiêu cả năm là 17-18 triệu lượt khách. Năm qua, châu Á vẫn là thị trường chủ lực của ngành khi chiếm tới 79,6% tổng lượng khách quốc tế. Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong năm 2024 với 4,5 triệu lượt (chiếm 25,98%). Đứng thứ 2 là Trung Quốc với 3,7 triệu lượt (chiếm 21,26%).
Đáng chú ý, thị trường tiềm năng Ấn Độ trong thời gian qua có sự tăng trưởng rất đáng kể, từ 138.000 lượt năm 2022 lên 392.000 lượt năm 2023 và đạt 501.000 lượt năm 2024. Con số này tăng 2,6 lần chỉ sau 2 năm và hiện nay xếp ở vị trí thứ 6 trong các thị trường gửi khách nhiều nhất đến Việt Nam.
Nếu xét về mức độ phục hồi của các thị trường khách quốc tế so với năm 2019 thì sự phục hồi của các thị trường nguồn châu Á được dẫn dắt bởi thị trường lớn Hàn Quốc với mức phục hồi 106%, Đài Loan đạt mức 139%. Bên cạnh đó, Ấn Độ tăng trưởng đột phá, đạt mức 297% so với trước dịch. Tuy nhiên, sự phục hồi của khu vực châu Á chậm lại do thị trường truyền thống Trung Quốc mới chỉ phục hồi ở mức 64%, Nhật Bản đạt 75%. Thái Lan và Malaysia cùng đạt mức phục hồi 82%.
Ngành du lịch Việt cần chú trọng chiến lược thu hút nguồn khách “nhà giàu”, bởi theo số liệu nghiên cứu thì tầng lớp trung lưu Ấn Độ sẽ tăng 33% năm 2022 lên 46% trong năm 2030.
Theo nhận định của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Ấn Độ là một trong những thị trường tăng trưởng ấn tượng nhất, góp phần đa dạng hóa thị trường nguồn của du lịch Việt Nam. Tuy vậy, khi bàn về chiến lược thực sự thu hút nguồn khách này không ít doanh nghiệp vẫn tỏ ra băn khoăn.
Trong một lần trao đổi cùng ĐTTC, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company, cho rằng nếu nhìn vào số liệu thống kê trong 1-2 năm trở lại đây, có thể thấy khách Ấn Độ đến Việt Nam đang có tăng trưởng khá tốt nhưng đây là xu hướng tăng trưởng tự nhiên, tức chúng ta chưa cần làm gì nhiều khách vẫn đến. Vì sao như vậy, nguyên nhân sau dịch nhu cầu đi du lịch nước ngoài của khách Ấn Độ đang tăng rất cao, Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là một trong những điểm đến nhiều khách Ấn muốn khám phá. Vì thế nguồn khách này đang không ngừng tăng lên.
Đúng là suốt 2 năm qua dù chúng ta nói nhiều đến tiềm năng và thực tế lượng khách Ấn đang không ngừng tăng lên nhưng những động thái cụ thể để đón nguồn khách này vẫn rất thiếu vắng. Ví như các chương trình xúc tiến du lịch mang tầm quốc gia vẫn ưu tiên nhiều cho các thị trường truyền thống. Rồi những chuyển động trong nội tại nhất là ở nhóm nhà hàng, khách sạn để đáp ứng những khác biệt về hành vi văn hóa tiêu dùng của khách Ấn vẫn khá chậm kể cả ở các TP lớn.
Dễ thấy mỗi khi có đoàn khách Ấn Độ đông, những vấn đề khai thác tiềm năng thị trường lại nóng lên, nhưng sau đó dường như đâu lại vào đó, đến nay việc xúc tiến vẫn chỉ diễn ra ở một vài địa phương và đi sâu hơn có một vài doanh nghiệp dành sự quan tâm khai thác thị trường này thực sự. Vì thế một chiến lược thực sự cho thị trường tiềm năng này vẫn là bài toán mà ngành cũng như các doanh nghiệp cần tiếp tục tìm lời giải ngay trong năm 2025 này.
Cần nhìn lại chính mình
Từ kết quả của năm 2024, qua năm 2025 ngành du lịch đặt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước dịch, đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế. Việc có thể hoàn thành mục tiêu hay không vẫn còn là câu chuyện dài ở phía trước nhưng ngay trong những ngày đầu năm mới này đã có những tín hiệu lạc quan. Số liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho thấy Việt Nam tiếp tục khẳng định sức hút mạnh mẽ với du khách quốc tế trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Theo đó, lượng tìm kiếm chỗ ở từ khách quốc tế tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lượng khách từ Trung Quốc tăng gần 300%. Ngoài Trung Quốc, số liệu từ nền tảng này còn ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong lượt tìm kiếm chỗ ở từ các du khách ở quốc gia khác như Hàn Quốc và Đài Loan (94% và 123%). Đáng chú ý, Phú Quốc cũng trở thành lựa chọn điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế trong năm 2025, với lượng tìm kiếm chỗ ở tăng đến 266% so với năm 2024. Phía Agoda cho rằng với những tín hiệu tích cực này, mục tiêu đón 22-23 triệu khách du lịch quốc tế là có cơ sở và hoàn toàn khả thi.
Mới đây nhất, Lữ hành Saigontourist cho biết, trong những ngày đầu năm 2025, đơn vị liên tục đón 5 chuyến tàu biển quốc tế đến Việt Nam ghé các cảng biển trên khắp đất nước và trải nghiệm các hành trình xuyên Việt đầy lý thú, đánh dấu một năm đầy lạc quan cho mảng du lịch quốc tế nói chung và du lịch tàu biển nói riêng. Cụ thể, từ ngày 4 đến 31-1 (cả trong dịp Tết Nguyên đán), công ty sẽ đón và phục vụ 19.800 du khách tàu biển quốc tế.
Một số doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế cũng thông tin khách Ấn Độ đang gia tăng đáng kể trong những ngày đầu năm này. Phía Cục du lịch quốc gia cho biết, năm 2025, ngành du lịch sẽ tập trung vào việc khai thác sâu hơn các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, tăng cường liên kết với các hãng hàng không để mở thêm đường bay thẳng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quảng bá và xúc tiến du lịch.
Nói về mục tiêu trong năm nay, ngoài con số 22-23 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch còn mong muốn đón 120-130 triệu lượt khách nội địa cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9%/năm. Ngành cũng đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP với 980-1.050 tỷ đồng doanh thu, tạo 5,5 triệu việc làm, trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp. Đây thoạt nhìn là những con số ấn tượng. Thế nhưng, nếu nhìn sang khu vực thì ngay trong năm 2023, du lịch Thái Lan đã chiếm 23% GDP, Philippines 22,5%, thậm chí Campuchia cũng chiếm 25,8% thì du lịch Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao mức đóng góp vào GDP.
Tại hội thảo "Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn" diễn ra hồi cuối tháng 12 -2024, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng: “Đã đến lúc Việt Nam cần xem lại sức mạnh cạnh tranh trong chính sách với các nước trong khu vực, xem lại những bất cập của Luật Du lịch 2017, từ đó tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần đánh giá lại nguồn lực tài chính, chính sách và nhân lực”.
THANH LÂM