Sống khỏe với cây dừa
Khoảng vài tháng gần đây, giá dừa nguyên liệu và dừa uống nước tại ĐBSCL luôn ở mức cao. Có thời điểm, giá dừa khô thu mua tại Vĩnh Long lên đến 220.000 đồng/chục (12 trái) giúp nhiều nhà vườn rất phấn khởi. Đến xã Đồng Khởi, tỉnh Vĩnh Long những ngày này, dù giá dừa khô chỉ còn khoảng 160.000 -170.000 đồng/chục (12 trái), nhưng từ nhà đến chợ, vào đến quán cà phê, đâu đâu người dân cũng bàn về giá dừa, loài cây truyền thống của địa phương.
Những vườn dừa bạt ngàn tại xã Đồng Khởi, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Thanh Tiến
“Thời điểm sau dịch Covid-19, nông dân trồng dừa rất khó khăn khi giá dừa còn có mười mấy đến hai mươi ngàn mỗi chục (12 trái). Gần đây, giá dừa tăng gấp 10 lần so với trước. Giá dừa cao, cuộc sống của bà con đỡ hơn” - ông Phạm Trọng Kiên (42 tuổi, ngụ xã Đồng Khởi, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ. Theo người nông dân này, trồng dừa không khó, việc chăm sóc cũng khá nhẹ nhàng hơn các loại cây trồng khác. Trung bình 3 năm chỉ cần bồi đất 2 lần, khoảng 4 tháng mới bón phân 1 lần.
Các DN chuyên thu mua, xuất khẩu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa nhận định, những năm gần đây, biến đổi khí hậu, sâu bệnh đã làm ảnh hưởng đến năng suất dừa của Việt Nam. Tình trạng này cũng như các nước trong khu vực châu Á khiến giá dừa tăng. Bên cạnh đó, năm 2023, Mỹ chấp thuận cho trái dừa tươi Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này với một số rào cản kỹ thuật nhất định đã tạo nên làn sóng thương mại của các DN nông sản quan tâm đến sản phẩm dừa tươi xuất khẩu.
Tiếp đó, tháng 8/2024, Trung Quốc chính thức chấp thuận cho trái dừa Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch làm bùng nổ nhiều sự kiện kết nối, giao thương của các đoàn DN hai nước. Qua các sự kiện, truyền thông nước bạn cũng quan tâm đánh giá cao chất lượng trái dừa Việt Nam. Từ đó, trái dừa Việt Nam và các sản phẩm ngành dừa Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm các quốc gia khác, tạo làn sóng domino hưởng ứng, tìm kếm của các thị trường khác như Trung Đông và châu Âu.
Vươn tầm những sản phẩm từ dừa
Thống kê từ Hiệp hội Dừa Việt Nam, Việt Nam có hơn 200.000ha vùng dừa nguyên liệu với sản lượng khai thác trung bình 2 triệu tấn mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu ngành dừa Việt Nam từ 180 triệu USD năm 2009 đã vươn mình vượt giá trị hơn 1 tỷ USD năm 2024. Từ dừa, đã có hơn 60 sản phẩm được khai thác, chế biến, trong đó có hơn 35 sản phẩm xuất khẩu. Các sản phẩm từ dừa Việt Nam đã xuất khẩu đến 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Xuất khẩu sản phẩm từ dừa và liên quan đến dừa hình thành 4 nhóm sản phẩm. Trong đó, sản phẩm ngành thực phẩm, mỹ phẩm và y dược đóng góp 43% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, gỗ và giá thể nông nghiệp đóng góp khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. DN sản xuất các sản phẩm nguyên liệu như dầu dừa thô, bột béo từ nước dừa, dừa cấp đông, nước cốt dừa cấp đông... đóng góp khoảng 10% và nhóm DN và sản phẩm sản xuất, kinh doanh dừa tươi, chiếm 27% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành” - ông Cao Bá Đăng Khoa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam thông tin.
Nhân công tại Hợp tác xã Nông nghiệp Định Thủy (xã Đồng Khởi, tỉnh Vĩnh Long) lột vỏ dừa trước khi giao sản phẩm cho doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Tiến
Từ những con số nói trên, ông Khoa nhận định giá dừa của Việt Nam sẽ ổn định, ít nguy cơ rớt giá bởi hiện nay, ngành công nghiệp chế biến dừa ở Việt Nam đặc biệt là ở ĐBSCL đã phát triển mạnh, không còn phụ thuộc xuất khẩu thô như trước.
Bên cạnh năng cao nâng lực chế biến, những năm qua, cây dừa Việt Nam cũng đã có những bước tiến trong cuộc đua xanh. Dưới sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự chung tay của DN, hợp tác xã và nông dân, diện tích dừa hữu cơ tại ĐBSCL đang được mở rộng từng ngày, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu và mở rộng thị trường cho ngành hàng dừa.
“Ban đầu khi vận động bà con tham gia trồng dừa hữu cơ cũng gặp một số khó khăn, tuy nhiên đến giờ hiệu quả mang lại cho nông dân và hợp tác đã rất cao. Hợp tác xã hiện có 530ha dừa hữu cơ, trung bình mỗi tháng hợp tác xã cung cấp cho DN 120.000 -150.000 trái dừa hữu cơ. Đối với dừa hữu cơ, công ty hỗ trợ thêm từ 15.000 -20.000 đồng/chục (12 trái), nâng cao thu nhập cho bà con” - ông Trần Văn Đạt - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Định Thủy (xã Đồng Khởi, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ.
Với kinh nghiệm lăn lộn trên thương trường quốc tế và nhiều năm gắn bó với các sản phẩm từ dừa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) Trần Văn Đức khẳng định, organic (hưu cơ) là xu hướng không thể thay đổi được.
“Canh tác hữu cơ và sản phẩm hữu cơ là xu hướng rất là thực tế, đưa đến cho người tiêu dùng những trái dừa và sản phẩm từ dừa tốt hơn đáp ứng nhu cầu cả thị trường trong nước và thế giới. Bởi cả thị trường trong nước và quốc tế hiện này điều hướng đến sản phẩm tốt cho sức khỏe, tốt cho cộng đồng và vì môi trường. Xu hướng này không thể thay đổi được” - ông Đức nhận định.
Giữ vững giá trị trái dừa và tăng cao hơn nữa
Ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã xây dựng kế hoạch trung và dài hạn khuyến khích DN đầu tư các vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, bền vững về tuần hoàn và đạo đức xã hội trong nông nghiệp để tạo nguồn nguyên liệu tốt nhất nhăm sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao. Đồng thời, hỗ trợ DN tiếp cận các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, tham gia quảng bá sản phẩm triên các diễn đàn thương mại quốc tế, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa sản phảm từ dừa và liên quan đến dừa Việt Nam lên tầm cao mới.
“Hiệp hội đang triển khai 4 kế hoạch để giữ vững giá trị trái dừa và tăng cao hơn nữa. Thứ nhất, Hiệp hội đã trình Thủ tướng và Thủ tướng đang chỉ đạo các Bộ nghiên cứu đề xuất áp thuế xuất khẩu 10% đối với dừa nguyên liệu xuất khẩu dạng thô chưa qua chế biến nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho DN trong nước an tâm sản xuất, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, giá trị thấp. Đồng thời, đề xuất cấm xuất khẩu tiểu ngạch dừa đã qua công đoạn làm khô và dừa còn nguyên sơ nhằm tạo thu hút đầu tư các vùng dừa nguyên liệu. Thứ hai, hiệp hội đang chuẩn hóa giống cây trồng theo quy định, giống của địa phương nào thì làm chỉ dẫn địa lý, đăng ký lưu hành cho địa phương đó để bảo hộ. Khuyến khích các cơ quan nghiên cứu lai tạo ra thêm các giống dừa mới, chất lượng cao hơn. Thứ ba, cần khuyến khích nghiên cứu phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc riêng cho cây dừa. Thứ tư là hỗ trợ tín dụng cho DN và nông dân trồng dừa, hạn chế việc DN thiếu vốn làm cho người dân và DN phải đi vay tín dụng đen nhiều rủi ro” - ông Khoa chia sẻ, đồng thời cho biết, sẽ phối hợp triển khai kế hoạch “Xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu dừa”. Dự kiến, từ tháng 8/2025 sẽ thí điểm về việc hỗ trợ tín dụng cho người nông dân và đơn vị thu mua.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam Cao Bá Đăng Khoa:
Giá dừa tăng cao mang lại lợi nhuận đáng kể cho bà con nông dân, nhưng lại khó khăn cho DN chế biến khi họ khó khăn tăng giá sản phẩm trên thị trường quốc tế trong khi họ mới là nguồn tiêu thụ ổn định và lâu dài và bền vững nhất cho bà con nông dân. Hiệp hội Dừa Việt Nam đã nắm bắt thông tin, diễn biến từng khu vực và đề ra nhiều kế hoạch cụ thể nhằm hạn chế thất thoát nguyên liệu, bảo vệ các nhà đầu tư và lợi ích bền vững cho bà con nông dân.
Thanh Tiến