Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa tại xã Cấn Hữu (Quốc Oai) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: nhandan.vn.
Gia cầm tăng mạnh, áp lực nhập khẩu lớn
Ngành gia cầm Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như giá cả bấp bênh, mô hình phát triển thiếu bền vững, thị trường tiêu thụ biến động và sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi từ tư duy sản xuất thuần túy sang phát triển kinh tế gia cầm, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu được xem là hướng đi tất yếu để ngành phát triển bền vững.
Theo bà Trần Ngọc Yến, Giám đốc phụ trách ngành hàng của Công ty Agro Monitor, trong giai đoạn 2020-2025, đàn gà lấy thịt tại Việt Nam tăng trưởng trung bình hơn 4% mỗi năm. Dự kiến đến cuối năm 2025, tổng sản lượng thịt gà đạt gần 2 triệu tấn, trong đó gà trắng chiếm khoảng 40%. Hiện nay, sản lượng gà màu tiêu thụ mỗi năm ước đạt 1,1 triệu tấn.
Từ năm 2022, nhu cầu tiêu thụ thịt gà tăng đáng kể do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng cao, tạo điều kiện cho thịt gà trở nên cạnh tranh hơn. Thịt gà đã tăng tỷ trọng trong cơ cấu tiêu dùng từ 29% năm 2022 lên 33% năm 2024, trong khi thịt lợn giảm từ 53% xuống còn 48%.
Năm 2024, tổng đàn gia cầm cả nước đạt 584,4 triệu con, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm đạt 2,46 triệu tấn (tăng 6,9%), sản lượng trứng đạt 20,352 tỷ quả (tăng 5,1%), gồm 13,516 tỷ quả trứng gà và 6,913 tỷ quả trứng thủy cầm. Việt Nam hiện đứng thứ 10 thế giới về đàn gà và thứ 2 thế giới về đàn thủy cầm.
Trong giai đoạn 2020-2024, Việt Nam chi khoảng 200-300 triệu USD mỗi năm để nhập khẩu 200.000-300.000 tấn thịt gà đông lạnh, tăng mạnh so với giai đoạn 2016-2019.
Tuy vậy, ngành vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, bao gồm con giống, thịt và các sản phẩm chế biến từ gia cầm. Trong giai đoạn 2020-2024, Việt Nam chi khoảng 200-300 triệu USD mỗi năm để nhập khẩu 200.000-300.000 tấn thịt gà đông lạnh, tăng mạnh so với giai đoạn 2016-2019. Lượng nhập khẩu này tương đương 15%-17% sản lượng sản xuất trong nước, nhưng chiếm tới 30% lượng thịt gà trắng tiêu thụ nội địa.
Thịt gà chặt mảnh chủ yếu được nhập từ Mỹ, còn gà nguyên con đến từ Hàn Quốc. Đáng chú ý, từ năm 2020, nhập khẩu từ Mỹ có xu hướng giảm do giá tăng. Trong giai đoạn 2020-2023, đùi gà là mặt hàng nhập khẩu chủ lực, song đến năm 2024, chân gà đã vươn lên dẫn đầu, được nhập từ nhiều quốc gia khác nhau.
“Thịt gia cầm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tiêu dùng tại Việt Nam, với thịt gà đông lạnh nhập khẩu chiếm khoảng 15%”, bà Yến chia sẻ. Bà cũng nhấn mạnh việc giảm thuế nhập khẩu đã tạo áp lực cạnh tranh lớn lên ngành chăn nuôi trong nước.
Theo bà Phạm Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giống vật nuôi, Cục Chăn nuôi và Thú y, dịch bệnh gia cầm thời gian qua cơ bản được kiểm soát, chỉ xảy ra những ổ dịch nhỏ lẻ do chưa tiêm phòng vaccine đầy đủ. Bà Dung cũng cho rằng ngành gia cầm hiện có nhiều thuận lợi như: chính sách pháp lý đồng bộ, thị trường tiêu thụ tiềm năng, giá thức ăn chăn nuôi giảm và tương đối ổn định, cùng khả năng tiếp cận công nghệ mới và thu hút đầu tư tốt hơn.
Tuy nhiên, ngành vẫn còn nhiều tồn tại: thói quen tiêu dùng nhỏ lẻ khiến việc kiểm soát an toàn sinh học khó khăn; nguyên liệu đầu vào phụ thuộc nhập khẩu; chuỗi liên kết sản xuất còn yếu; và thị trường chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt.
Đổi mới tư duy để vượt khủng hoảng
Về phía Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam nhận định: Ngành gia cầm Việt Nam đã trải qua 5 giai đoạn phát triển khác nhau. Trong đó, giai đoạn 2011-2021 được đánh giá là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất khi ngành duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả chăn nuôi tốt và thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Giai đoạn này cũng đánh dấu sự đột phá về mô hình chăn nuôi công nghiệp.
“Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, ngành đã bước vào giai đoạn khủng hoảng, đặc biệt là về thị trường. Nhiều doanh nghiệp và người chăn nuôi rơi vào tình trạng mất phương hướng, dẫn tới hiệu quả sản xuất thấp, tăng trưởng chững lại và thị trường tiêu thụ tắc nghẽn kéo dài. Hệ quả là nhiều hộ chăn nuôi và doanh nghiệp thua lỗ nặng nề”, ông Sơn chia sẻ.
Một trang trại chăn nuôi gia cầm tại Tây Ninh. (Ảnh: nhandan.vn).
Theo ông Sơn, để vượt qua khủng hoảng và phát triển bền vững, ngành chăn nuôi cần chuyển đổi tư duy, từ phát triển sản xuất sang phát triển kinh tế gia cầm, tập trung vào chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng. Việc tổ chức lại hệ thống sản xuất, thương mại và khơi thông thị trường xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, hiện nguồn cung gà và trứng từ các trang trại, nông hộ đã vượt cầu do sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, chưa qua chế biến. Trong khi đó, các nước phát triển đã xây dựng chuỗi chế biến sâu với hàng trăm sản phẩm gia cầm. Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhấn mạnh, chế biến sâu là yếu tố then chốt để điều tiết cung cầu và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của ngành gia cầm Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã đề xuất bảy giải pháp trọng tâm. Trước hết là xây dựng hệ thống giết mổ tập trung, kết hợp chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến và nâng cao năng suất.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý các vấn đề môi trường, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26. Đồng thời, cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật và đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Một giải pháp chiến lược khác là xây dựng hệ sinh thái khép kín, với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân từ khâu giống, thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và phân phối. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ hiện đại như IoT, AI, blockchain trong truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi sản xuất cũng đóng vai trò quan trọng. Cuối cùng, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia vào ngành gia cầm.
THANH TRÀ