Ngành Giáo dục - Đào tạo: Động lực mới, kỳ vọng mới

Ngành Giáo dục - Đào tạo: Động lực mới, kỳ vọng mới
4 giờ trướcBài gốc
"Quả ngọt" từ sự nỗ lực
Thành công đáng kể trong năm là ngành GD-ĐT đã tập trung đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng GD-ĐT. Giáo dục mầm non có sự phát triển về mọi mặt. 100% trẻ được bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần. Đáng chú ý là có 95,45% trường vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến; 44,89% trường, 18 cơ sở độc lập tư thục tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Ngọc Quang thăm, tặng quà cho học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Dân Hóa.
Ngành đã tập trung đổi mới phương pháp, hình thức dạy học nhằm phát triển tối đa phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục có những bước tiến vững chắc. Ở bậc tiểu học, 100% cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 từ lớp 1 đến lớp 5. Các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc như Tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3, 4, 5 được triển khai đồng bộ.
Đối với bậc giáo dục trung học, các trường học đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy học và hình thức sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, tạo điều kiện cho giáo viên trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. Trong năm học, các nhà trường đã triển khai 534 chuyên đề “tiết dạy sáng tạo”, 945 chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, 691 bài dạy STEM, tổ chức 1.017 lượt sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, 857 lượt sinh hoạt liên trường và 1.990 tiết thao giảng.
Nói về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Trung Hóa Đinh Phan Thủy Yến cho biết: Bên cạnh việc tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo cụm và liên trường, nhà trường còn khuyến khích giáo viên tự học, tự nghiên cứu để đổi mới phương pháp giảng dạy. Giáo viên luôn đề xuất với lãnh đạo nhà trường những cách làm hay, mô hình mới mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục để triển khai, nhân rộng.
Một trong những dấu ấn của ngành GD-ĐT trong năm học vừa qua là tổ chức thành công cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh với 76 dự án, trong đó có 4 dự án đoạt giải nhất (2 trong 4 dự án giải nhất tham gia cuộc thi cấp Quốc gia đều đoạt giải). Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia các môn văn hóa, toàn tỉnh có 55 giải (trong đó có 1 giải nhất, 9 giải nhì), cao nhất từ trước đến nay.
Từ những thành quả đạt được và định hướng chiến lược rõ ràng, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bảo đảm công bằng trong giáo dục..., ngành GD-ĐT Quảng Trị (mới) hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Để mỗi học sinh đều được tiếp cận giáo dục, bảo đảm công bằng, chất lượng, ngành GD-ĐT đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ học sinh khuyết tật, học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Ngành đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ đồ dùng bán trú, đồ chơi ngoài trời, tài liệu học tập, nâng cấp cơ sở vật chất... giúp các trường mầm non vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tổ chức tốt hoạt động bán trú cho trẻ.
Ở bậc tiểu học, gần 1.000 học sinh khuyết tật được tiếp cận giáo dục thông qua hình thức giáo dục hòa nhập với chương trình học và đánh giá xây dựng theo kế hoạch cá nhân, phù hợp với nhu cầu, khả năng của từng học sinh. Một số trường học còn trang bị thiết bị hỗ trợ học tập, bố trí giáo viên hỗ trợ chuyên biệt... giúp học sinh khuyết tật dễ dàng tiếp cận kiến thức và hòa nhập cộng đồng.
Những tiết dạy sáng tạo luôn có sức hấp dẫn đối với học sinh.
Nhiều trường còn nhận đỡ đầu, cấp học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, điển hình là các trường: THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, THPT Trần Phú, THPT Tuyên Hóa... Hằng năm, ngành GD-ĐT còn tổ chức các đợt thăm hỏi, động viên, tặng quà cho giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11); thăm, tặng quà cho học sinh, giáo viên vùng đồng bào DTTS vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Nhằm thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, ngành GD-ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: Xây dựng trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng học, phòng nội trú; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ học sinh DTTS và cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại vùng khó khăn.
Nhờ đó, tỉ lệ học sinh DTTS đến trường ở các cấp học đều ở mức cao. Tỉ lệ trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường đạt 99,97%. 100% trường, nhóm, lớp có trẻ em DTTS thực hiện chương trình tăng cường tiếng Việt. 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và 98,5% học sinh tốt nghiệp THCS. Nhiều em đạt kết quả ấn tượng qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi.
Nói về việc quan tâm, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân nhấn mạnh: Những năm qua, ngành GD-ĐT đã có nhiều hoạt động nhằm khích lệ, hỗ trợ giáo viên, học sinh vùng khó và quan tâm khen thưởng học sinh đạt thành tích cao.
Tuy nhiên, sự ghi nhận không nên dừng lại ở những em đạt thành tích nổi bật mà cần mở rộng và có sự quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn đến những học sinh nghèo; có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh vùng sâu, vùng xa. Bởi lẽ, thành tích của các em không chỉ là kết quả học tập, mà còn là minh chứng cho ý chí, nghị lực và khát vọng vượt lên hoàn cảnh.
Bước vào năm học mới 2025-2026 trong bối cảnh sáp nhập 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị (cũ) thành tỉnh Quảng Trị mới, công tác phát triển giáo dục còn gặp không ít khó khăn, như: Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ; tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp, nhất là ở bậc mầm non và vùng khó khăn còn thấp, một số nơi còn thiếu giáo viên...
Vì vậy, toàn ngành tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó chú trọng rà soát hệ thống văn bản chính sách đặc thù của hai tỉnh trước đây nhằm bổ sung, điều chỉnh, bảo đảm thực hiện thống nhất về chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh mới. Ngành cũng đặt mục tiêu cao hơn về chất lượng giáo dục, tiếp tục phát triển giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên theo hướng bền vững, công bằng, hội nhập.
Nh.V
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/nganh-giao-duc-dao-tao-dong-luc-moi-ky-vong-moi-195580.htm