Sở GD&ĐT Quảng Bình tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ I, năm học 2024-2025.
Trong học kỳ I năm học 2024-2025, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình triển khai các hoạt động giáo dục trong điều kiện khó khăn về biên chế, cơ sở vật chất và ảnh hưởng của thiên tai. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Toàn ngành đã triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ lớp 1 đến lớp 12 đúng tiến độ. Các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018.
Trong học kỳ I năm học 2024-2025, ngành Giáo dục Quảng Bình gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Công tác lựa chọn sách giáo khoa, việc cung ứng sách giáo khoa, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương được tiến hành nghiêm túc, đúng quy định, kịp thời. Thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp từ dạy học định hướng nội dung sang dạy học định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Toàn tỉnh có 553 cơ sở giáo dục (176 trường MN, 170 trường TH, 39 trường TH và THCS, 127 trường THCS, 6 trường THCS&THPT, 26 trường THPT, 8 trung tâm GDNN-GDTX, 1 trung tâm GDTX tỉnh), trong đó có 03 trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật.
Năm học 2024-2025, tổng biên chế được giao cho các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT là 2.051 người, trong đó có 93 cán bộ quản lý 93 người, 1.798 giáo viên, 160 nhân viên. Tính đến ngày 10/1/2025, biên chế hiện có tại các đơn vị trực thuộc là 1.954 người, thiếu 97 biên chế.
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.
Toàn ngành thực hiện hiệu quả chương trình GDMN, GDPT. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục mầm non đã triển khai hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ” gắn với việc triển khai chủ đề năm học đối với GDMN; tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”.
100% các cơ sở giáo dục đã nghiêm túc triển khai Chương trình GDPT theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy theo đúng quy định, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện.
Triển khai thực hiện các giải pháp để tổ chức dạy học môn tiếng Anh, Tin học cho lớp 3, 4, 5 theo Chương trình GDPT 2018. Tiếp tục triển khai chương trình môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2; tiếp cận giáo dục Tin học lớp 1, lớp 2 ở những cơ sở giáo dục có điều kiện thuận lợi, với sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Việc tổ chức cho học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm phát huy sự sáng tạo của học sinh cũng đã được các đơn vị tiếp tục quan tâm. Từ phong trào nghiên cứu khoa học của cơ sở, Sở GD&ĐT đã tổ chức thành công Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh với 76 dự án của 28 đơn vị trực thuộc và 8 đơn vị phòng GD&ĐT. Kết quả, công nhận 4 dự án xếp giải Nhất; 13 dự án để xếp giải Nhì; 13 dự án xếp giải Ba và 13 dự án xếp giải Tư; lựa chọn 3 dự án (trong số 4 giải Nhất) để tiếp tục hoàn thiện, tham gia cuộc thi cấp quốc gia trong thời gian tới.
Ông Hồ Thanh Hải, Trưởng phòng GD&ĐT TP Đồng Hới phát biểu tại hội nghị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn đó nhiều thách thức mà toàn ngành Giáo dục Quảng Bình phải đối mặt, như cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thiết bị dạy học còn thiếu, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ...
Nâng cao chất lượng giáo dục
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm để ngành Giáo dục đạt kết quả cao hơn trong học kỳ II.
Tham luận về công tác nâng cao chất lượng mũi nhọn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bố Trạch Võ Hải Quân chia sẻ: “Để có thành tích cao tại các cuộc thi học sinh giỏi, ngoài đội ngũ giáo viên tại trường, phòng GD&ĐT Bố Trạch xây dựng thêm đội ngũ giáo viên để tạo nguồn. Việc phát hiện và bồi dưỡng những học sinh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng quan trọng không kém. Vấn đề cốt lõi nữa là tạo động lực để chính các em nỗ lực để đạt được kết quả cao, thầy cô phải làm tốt điều này”.
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình Đặng Ngọc Tuấn trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc.
Trong bài tham luận về công tác triển khai Chương trình GDPT 2018, ông Phan Xuân Linh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Trạch bày tỏ rằng, dù đội ngũ quản lý, giáo viên trên địa bàn đã có những cố gắng không ngừng nhưng kết quả thu về chưa xứng tầm.
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho 11 cá nhân khối các đơn vị trực thuộc sở.
Để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, ông Phan Xuân Linh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Trạch chia sẻ: “Với mong muốn đạt kết quả cao hơn, chúng tôi sẽ sớm tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm từ các cuộc thi học sinh giỏi vì số lượng học sinh tham gia đông nhưng giải chưa cao. Cùng với là là tổ chức hội nghị bàn việc nâng cao chất lượng 2 bộ môn Toán, Ngữ văn thi vào lớp 10, bàn giải pháp nâng cao chất lượng môn tiếng Anh, sơ kết đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018”.
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 3 tập thể có thành tích xuất sắc.
Bước sang học kỳ II, ngành Giáo dục Quảng Bình đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục; tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực; tổ chức ôn tập, kiểm tra, đánh giá định kì nhằm hoàn thành kế hoạch giáo dục đảm bảo chất lượng, kết thúc năm học 2024-2025 đúng tiến độ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình trao Danh hiệu tập thể lao động xuất sắc của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.
Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh.
Tập trung đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát triển tối đa phẩm chất, năng lực học sinh. Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Tiếp tục tốt nội dung giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Tổ chức các cuộc thi, hội thi, kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Triển khai có hiệu quả các hoạt động xây dựng xã hội học tập theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Kế hoạch thực hiện Đề án 1373/KH-BGDĐT của Bộ GDĐT về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đến toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học trong toàn ngành giáo dục và xã hội.
Phát biểu bế mạc Hội Nghị, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Thay mặt lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình, tôi xin ghi nhận những nỗ lực của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành, đồng thời đề nghị các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa để chất lượng giáo dục Quảng Bình đi lên”.
Kết quả giáo dục mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025, tỉnh Quảng Bình có 55 học sinh đoạt giải (1 giải Nhất, 9 giải Nhì, 17 giải Ba và 28 giải Khuyến khích), tăng 8 giải so với kỳ thi năm học 2023-2024, tăng 27 giải so với kỳ thi năm học 2022-2023.
Lan Nhi