Trẻ mầm non Trường Liên cấp thành phố giáo dục quốc tế - IEC Quảng Ngãi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, với địa bàn rộng, chất lượng giáo viên, học sinh giữa các vùng miền còn chênh lệch đòi hỏi toàn ngành nỗ lực vượt khó, tập trung đổi mới, hướng tới phát triển bền vững.
Thời cơ và thách thức
- Sau sáp nhập ngành Giáo dục Kon Tum và Quảng Ngãi, ông đánh giá thế nào về những thuận lợi và khó khăn phải đối mặt trong giai đoạn chuyển giao và ổn định tổ chức?
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, gần 600 con em cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tỉnh Kon Tum sẽ chuyển về Quảng Ngãi học tập. Số học sinh này thuộc các bậc học từ mầm non đến tiểu học, THCS và THPT. Để đảm bảo quyền lợi học tập liên tục cho các em, sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường trên địa bàn chủ động nắm bắt nhu cầu, kịp thời bố trí chỗ học thuận tiện với nơi cư trú. Các nhà trường cũng tích cực hỗ trợ thủ tục nhập học, tạo điều kiện để các em nhanh chóng làm quen, hòa nhập với môi trường học tập mới.
- Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết của Đảng, chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, sáp nhập tổ chức ngành Giáo dục giữa hai địa phương Kon Tum và Quảng Ngãi là bước đi mang tính chiến lược nhằm kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay.
Về thuận lợi, trước hết phải kể đến sự thống nhất cao trong chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và ủng hộ tích cực từ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hai địa phương. Nét tương đồng trong đặc điểm dân cư, điều kiện kinh tế xã hội giữa Quảng Ngãi và Kon Tum tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống giáo dục. Ngoài ra, sáp nhập cũng giúp khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực, tinh giản đầu mối, tăng cường khả năng liên kết trong đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định như: Địa bàn rộng, vừa có các xã biên giới, vừa có đặc khu Lý Sơn, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, việc tổ chức lại bộ máy quản lý tại cơ quan sở còn thiếu biên chế so với chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, học sinh giữa các vùng miền còn chênh lệch, nếu không có chính sách điều tiết hợp lý dễ dẫn đến sự phát triển không đồng đều.
- Khó khăn và thuận lợi song hành, chiến lược phát triển của ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới hướng đến mục tiêu gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi.
- Tầm nhìn của ngành Giáo dục Quảng Ngãi trong giai đoạn tới là xây dựng nền giáo dục chất lượng, công bằng, phát triển toàn diện và bền vững, gắn với yêu cầu thực tiễn địa phương và xu hướng đổi mới giáo dục toàn quốc. Trong đó, 3 trụ cột chúng tôi đặc biệt quan tâm là: Nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển đội ngũ và hoàn thiện cơ sở vật chất.
Trước hết, chất lượng giáo dục được xem là thước đo quan trọng trong toàn hệ thống. Chúng tôi không chỉ hướng đến điểm số hay thành tích, mà chú trọng hơn đến năng lực thật sự của học sinh. Đó là thế hệ được chuẩn bị tốt cả tri thức, kỹ năng và phẩm chất để thích nghi với cuộc sống hiện đại. Cùng với đó, đánh giá chất lượng giáo dục sẽ được thực hiện khách quan, đa chiều và thường xuyên, tránh tình trạng hình thức, bệnh thành tích.
Về đội ngũ, ngành xác định giáo viên là nhân tố then chốt, trực tiếp hiện thực hóa mọi mục tiêu đổi mới. Vì thế, sở đã và đang phối hợp với đơn vị đào tạo, trung tâm bồi dưỡng để tổ chức các lớp nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực số, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục mới. Đồng thời, chúng tôi cũng quan tâm đến chính sách đãi ngộ, khuyến khích giáo viên vùng khó khăn để có thể yên tâm công tác, cống hiến lâu dài.
Cơ sở vật chất cũng là yếu tố được đặt trong chiến lược trung hạn và dài hạn. Ngành sẽ rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường lớp, đặc biệt tại khu vực vùng cao, biên giới, ven biển… để có kế hoạch đầu tư, nâng cấp phù hợp. Chúng tôi sẽ chủ động huy động các nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa, nguồn vốn Trung ương… để xây dựng môi trường học tập an toàn, hiện đại, từng bước tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Học sinh Trường Liên cấp thành phố giáo dục quốc tế - IEC Quảng Ngãi.
Đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới và sáng tạo
- Sáp nhập, vận hành chính quyền hai cấp bước đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ; đội ngũ cán bộ có tâm tư khi phải xa gia đình… Ông muốn nhắn gửi điều gì tới cán bộ, giáo viên trong giai đoạn này?
- Có thể nói, chúng tôi đang đứng trước một giai đoạn có nhiều thử thách, nhưng cũng là cơ hội lớn để đổi mới. Vì vậy, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi xác định 4 nhóm giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, kiện toàn bộ máy tổ chức, phân công lại nhiệm vụ khoa học, rõ ràng, bảo đảm không làm gián đoạn các hoạt động dạy và học.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giúp đội ngũ yên tâm công tác, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng trong quá trình thay đổi tổ chức.
Thứ ba, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy, nâng cao hiệu quả vận hành của toàn ngành.
Thứ tư, tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, nền nếp, kỷ cương trường học, phát huy dân chủ, sáng tạo ở mỗi cơ sở giáo dục.
Chúng ta đang trên hành trình mới. Đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới và sáng tạo sẽ là kim chỉ nam để vượt qua thách thức, tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ cho giáo dục địa phương. Tôi tin rằng với tinh thần trách nhiệm cao, sự gắn bó của toàn ngành, quan tâm của lãnh đạo tỉnh; phối hợp của các sở, ngành, địa phương, đồng thuận của người dân, chúng ta sẽ đưa giáo dục Quảng Ngãi sau sáp nhập ngày càng phát triển vững vàng.
Thầy và trò Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi).
- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền là một trong bốn giải pháp trụ cột của ngành Giáo dục Quảng Ngãi. Mục tiêu cụ thể và lộ trình triển khai ra sao?
- Chúng tôi xác định đa dạng hình thức tuyên truyền. Ngoài tăng cường truyền thông nội bộ để cung cấp thông tin, thống nhất trong chỉ đạo và hành động, ngành Giáo dục Quảng Ngãi sẽ chủ động cung cấp thông tin về mô hình hay, việc làm tốt, gương thầy cô đổi mới sáng tạo, học sinh nỗ lực học tập… trên web của ngành, trường và cơ quan báo chí.
Báo Giáo dục và Thời đại là cơ quan ngôn luận uy tín của ngành, luôn bám sát thực tiễn, đồng hành cùng các địa phương trong mọi giai đoạn phát triển. Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi mong muốn tăng cường phối hợp với Báo ở cả 3 phương diện: Tuyên truyền đường lối, chính sách giáo dục của Đảng, Nhà nước; lan tỏa các mô hình, điển hình tiêu biểu trong ngành và phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc để có tiếng nói chung từ cơ sở đến Trung ương.
Chúng tôi sẽ chủ động chỉ đạo các trường, đơn vị trực thuộc xem việc cập nhật thông tin từ Báo là nhiệm vụ thường xuyên, nhằm giúp cán bộ, giáo viên nắm bắt nhanh chóng xu thế, đổi mới và các văn bản hướng dẫn mới. Đồng thời, sở có văn bản khuyến khích các cơ sở giáo dục trên địa bàn đặt mua và sử dụng Báo Giáo dục và Thời đại như một kênh thông tin chính thống, tin cậy, gắn bó mật thiết với ngành.
Tôi cũng mong Báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục quan tâm, đồng hành, phản ánh sinh động hơn nữa những câu chuyện người thật việc thật của giáo dục Quảng Ngãi và Kon Tum sau sáp nhập. Bởi những điều tốt đẹp, nếu không được truyền thông kịp thời sẽ dễ bị lãng quên trong nhịp sống hối hả hiện nay.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ tỉnh Kon Tum (cũ) sau sắp xếp hành chính về tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, hỗ trợ thuê nhà 2 tháng đầu (từ 1/7 đến 31/8) theo giá thực tế đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi quản lý, trong thời gian chờ bố trí nhà ở công vụ.
Tăng mức hỗ trợ chi phí đi lại từ 1 triệu đồng/người/tháng lên 1,6 triệu đồng/người/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức di chuyển từ Kon Tum (cũ) về làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ngãi. Trường hợp được bố trí xe đưa đón sẽ không được hưởng khoản này. Hỗ trợ thuê nhà: 2 triệu đồng/người/tháng, trừ các trường hợp được bố trí nhà công vụ hoặc nhận hỗ trợ thuê nhà theo chính sách khác.
Các chính sách hỗ trợ trên được áp dụng từ 1/7/2025 đến hết 1/7/2027. Tuy nhiên, không áp dụng đối với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và cơ quan Trung ương theo ngành dọc.
Hoàng Vinh (Thực hiện)