Ngành Giáo dục Tiền Giang: Vững bước trên hành trình đổi mới

Ngành Giáo dục Tiền Giang: Vững bước trên hành trình đổi mới
5 giờ trướcBài gốc
TỪ NHỮNG ĐƠN SƠ, THIẾU THỐN
Trong 10 năm đầu sau ngày giải phóng, ngành Giáo dục Tiền Giang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách. Nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hàng đầu lúc bấy giờ là xóa mù chữ cho người dân - một yêu cầu mang tính sống còn đối với công cuộc phát triển đất nước. Với tinh thần “Phất cao cờ Ấp Bắc, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt”, ngành Giáo dục đã xây dựng nhiều chương trình hành động cụ thể cho từng năm học, từng bước triển khai đồng bộ và quyết liệt trên khắp địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang thăm, động viên đội bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia tỉnh Tiền Giang.
Phong trào bình dân học vụ nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ, mạng lưới trường lớp từ mẫu giáo đến phổ thông không ngừng được mở rộng. Nhiều lớp bổ túc văn hóa dành cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân được thành lập, góp phần nâng cao dân trí và kiến tạo nền tảng phát triển bền vững cho địa phương.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, cùng sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, công tác xóa mù chữ đã đạt được những thành quả vượt bậc. Đến cuối năm học 1977 - 1978, Tiền Giang trở thành tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ. Từ sau mốc thời gian quan trọng này, chất lượng công tác xóa mù và phổ cập giáo dục tại tỉnh không ngừng được củng cố và nâng cao qua từng năm.
Cụ thể, đến tháng 10-1996, có đến 95,02% dân số trong độ tuổi từ 15 - 35 tại Tiền Giang đạt chuẩn chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; đồng thời, 86,15% trẻ em 14 tuổi hoàn tất chương trình bậc tiểu học. Những cột mốc tiếp theo tiếp tục ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ: Năm 2004, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2006, hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đến năm 2015, Tiền Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Trong thực hiện chính sách “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, với sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh, các trường học trong tỉnh không ngừng được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập cho tất cả mọi người dân. Nếu năm học 1976 - 1977, toàn tỉnh chỉ có 249 lớp mầm non học ghép ở các trường tiểu học; 259 trường phổ thông (186 trường tiểu học, 63 trường THCS và 10 trường THPT), thì đến nay toàn tỉnh có 507 trường học, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt trên 74%.
Ngành cũng rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Năm học 1976 - 1977, toàn ngành có 6.616 giáo viên, đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, bậc học đã từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo. Toàn ngành hiện có 18.375 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục; có 8 tiến sĩ, 532 thạc sĩ, 9.565 đạt trình độ đại học.
ĐẾN NHỮNG “QUẢ NGỌT”
Kế thừa và phát huy những thành tựu mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, ngành GD-ĐT Tiền Giang tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong những năm qua, toàn ngành đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã mang lại những chuyển biến tích cực, mở ra hướng đi mới cho ngành. Hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện theo mô hình giáo dục mở, hướng đến học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập toàn diện.
50 năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang gặt hái được nhiều kết quả, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang (ảnh chụp tại Lễ Khai giảng Trường Tiểu học Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè).
Chất lượng giáo dục các cấp học không ngừng được nâng lên. Ở bậc học mầm non, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tiếp tục được giữ vững ổn định; chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ ngày càng được chú trọng. Tỷ lệ trẻ được nuôi ăn bán trú đạt 90%, tăng 1% so với năm học trước.
Toàn bộ trẻ em trong hệ thống mầm non đều được theo dõi sức khỏe định kỳ. Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” tiếp tục được lan tỏa sâu rộng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ em trong giai đoạn đầu đời.
Đối với bậc tiểu học, cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư đồng bộ, khang trang, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong dạy và học. Các trường tiểu học trên toàn tỉnh đã tích cực triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, đặc biệt ở các khối lớp đang trong lộ trình thực hiện chương trình mới. Bậc trung học tiếp tục có nhiều bước tiến đáng ghi nhận.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy được các nhà trường và giáo viên quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả tiếp thu của học sinh. Công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa cũng được triển khai bài bản; đồng thời, chú trọng đến công tác phân luồng học sinh sau THCS, định hướng nghề nghiệp và phát triển năng lực cá nhân.
Trong lĩnh vực thi cử, chất lượng giáo dục của tỉnh tiếp tục được khẳng định qua kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tiền Giang đạt điểm trung bình 6,902 điểm, tăng 0,182 điểm so với năm 2023 (6,72 điểm), xếp hạng 15/63 tỉnh, thành trong cả nước và đứng thứ 2 toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, toàn tỉnh có 32 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Ở sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, học sinh Tiền Giang cũng gặt hái nhiều thành tích với 44 giải trong kỳ thi học sinh giỏi THPT năm 2025.
Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới, ngành Giáo dục tỉnh đang tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ theo hướng chuẩn hóa về trình độ, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp. Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” tiếp tục được đẩy mạnh, trở thành động lực để toàn ngành không ngừng đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng nền giáo dục phát triển toàn diện, nhân văn và bền vững.
ĐỖ PHI
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/giao-duc/202504/nganh-giao-duc-tien-giang-vung-buoc-tren-hanh-trinh-doi-moi-1040696/