Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có bà Trần Thị Huyền, quyền Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ; Ban Giám đốc Sở GD&ĐT; lãnh đạo các Phòng trực thuộc Sở; các trường THPT và đơn vị trực thuộc…
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Ngay sau khi triển khai công tác hợp nhất, Sở GD&ĐT nhanh chóng bố trí ổn định nơi làm việc; chủ động bố trí nhân sự, sắp xếp và triển khai nhiệm vụ. Nhất là đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tổ chức họp, thống nhất phân công nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực; thực hiện quy trình xây dựng phương án bố trí, sắp xếp công chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đại biểu tham dự buổi làm việc.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn thành phố có 1.232 trường; trong đó Mầm non, mẫu giáo 382 trường (330 trường công lập, 52 trường ngoài công lập) với 121.905 trẻ.
Giáo dục phổ thông 850 trường; trong đó Tiểu học 506 trường (501 trường công lập, 5 trường ngoài công lập) với 257.755 học sinh. THCS 241 trường (239 trường công lập, 2 trường ngoài công lập) với 195.357 học sinh. THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có 103 trường (92 trường công lập, 11 trường ngoài công lập) với 90.800 học sinh.
Nhằm hỗ trợ giúp công chức, viên chức các sở, ngành yên tâm công tác, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện việc chuyển trường, đăng ký nhập học cho gần 600 trẻ mầm non, học sinh các cấp học được thuận lợi, đúng quy định, phù hợp với từng loại hình trường học.
Về công tác cán bộ, sau khi sáp nhập, số lượng biên chế công chức được giao của Sở GD&ĐT sau sắp xếp, sáp nhập là 161 biên chế (trong đó có 146 biên chế chính thức và 15 biên chế chờ tuyển dụng). Số người làm việc được giao của ngành GD&ĐT là 42.076 người, trong đó biên chế chính thức là 41.388 người, chờ tuyển dụng là 688 người.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Phúc Tăng cho biết thêm: Tính theo định mức giáo viên, năm học 2024 - 2025, số còn thiếu so với định mức là 2.519 giáo viên. Trong đó, cấp Mầm non thiếu 1.026 giáo viên; Tiểu học thiếu 610 giáo viên; THCS thiếu 438 giáo viên; THPT thiếu 445 giáo viên.
Tính theo biên chế được giao, năm học 2024 - 2025, số giáo viên còn thiếu so với biên chế giáo viên được giao là 1.993 giáo viên. Trong đó, cấp Mầm non thiếu 634 giáo viên; Tiểu học thiếu 706 giáo viên; THCS thiếu 380 giáo viên; THPT thiếu 273 giáo viên…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục thành phố sau sáp nhập. Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị tâm huyết của đội ngũ cán bộ, nhà giáo tại buổi làm việc, thành phố sẽ có tổng hợp, đề xuất hướng giải quyết sớm nhất.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục quan tâm công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học. Quyết tâm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo việc dạy học; nhất là dạy học 2 buổi/ngày.
Sở GD&ĐT sau sáp nhập cần quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ; trong đó có gần 600 học sinh theo cha mẹ về TP Cần Thơ công tác, nên phải quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện ổn định.
Ngành Giáo dục thành phố cần có bước chuẩn bị khai giảng năm học 2025 - 2026; rà soát, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực; nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất trường lớp; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; trang bị kỹ năng sống, kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh.
"Sau sáp nhập, quy mô của ngành GD&ĐT rất lớn, cần chú trọng vai trò quản lý Nhà nước của Sở GD&ĐT. Đồng thời Sở GD&ĐT phối hợp, tham mưu lãnh đạo thành phố về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới; đảm bảo đội ngũ nhà giáo phục vụ dạy học; quan tâm GDNN trên địa bàn thành phố, hỗ trợ đào tạo nghề…", Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khởi nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Huyền, Quyền Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Huyền, Quyền Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ thay mặt Ban Giám đốc bày tỏ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và sự kỳ vọng của lãnh đạo thành phố. Góp phần đưa ngành GD&ĐT thành phố trở thành đơn vị đầu tàu, xứng tầm là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL.
Ban Lãnh đạo Sở GD&ĐT cùng đội ngũ cán bộ, nhà giáo cùng đồng lòng, cùng chia sẻ, cùng trách nhiệm với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm. Tập trung cho nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới như chuẩn bị tốt cho khai giảng năm học mới, công tác tuyển dụng, thăng hạng giáo viên; kiện toàn Hội đồng thi đua…
TP Cần Thơ có 1 Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Hậu Giang (cũ); 1 Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ; 3 Trung tâm GDTX cấp tỉnh; 27 Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện; 80 cơ sở GDNN... Tính đến ngày 30/6, toàn thành phố có 1.003/1.232 trường đạt chuẩn Quốc gia (tỷ lệ 81,41%). Trong đó, Mầm non có 301/382 trường đạt chuẩn, tỷ lệ 78,8%; Tiểu học 431/506 trường, tỷ lệ 85,18%; THCS 202/241 trường, tỷ lệ 83,82%; THPT 69/103 trường, tỷ lệ 67%.
Quốc Ngữ