Lượng hàng gỗ xuất khẩu gia tăng cũng đồng nghĩa đối diện nhiều rủi ro về phòng vệ thương mại.
Trong 3-5 năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Từ năm 2019 đến 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã không ngừng gia tăng, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 10-15% mỗi năm.
Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu bao gồm đồ gỗ nội thất, ván ép và các sản phẩm trang trí nội thất khác. Sự gia tăng trong xuất khẩu có thể được lý giải bởi nhu cầu tiêu thụ gỗ trên toàn cầu tăng mạnh, đặc biệt là tại các thị trường lớn. Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam cũng tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), giúp giảm thiểu thuế quan và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, gỗ là một trong nhóm sản phẩm thường vướng nhiều rủi ro về điều tra phòng vệ thương mại, chống bán phá giá... Thường thì việc điều tra này có hai lý do. Thứ nhất, gỗ là sản phẩm được các sản phẩm được khai thác từ rừng, tác động tới môi trường, do đó, càng ngày sản phẩm gỗ càng bị chú ý. Thứ hai, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gỗ thuộc tốp đầu xuất khẩu gỗ của thế giới. Theo ông Hoài, xuất khẩu nhiều thì sẽ nguy cơ vướng vào các vụ kiện, phòng vệ thương mại cao hơn. Chính vì vậy, đrất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương).
Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Chu Thắng Trung hiện nay phòng vệ thương mại phải có dự báo, tính toán từ trước, đưa ra những dự báo mang tính chất từ xa. Các dự báo đưa ra là để các cơ quan chức năng chủ động có những hoạt động tuyên truyền, chia sẻ thông tin một cách trọng tâm trọng điểm hơn, giúp doanh nghiệp (DN) nắm được thông tin cơ bản nhất về quá trình điều tra phòng vệ thương mại, để có thể chủ động hơn.
Ông Trung khuyến cáo, khi các vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra, phía cơ quan chức năng cần ngay lập tức thông báo cho DN, hiệp hội, cũng như phối hợp các bước tư vấn.Trong quá trình vụ việc diễn ra thì đều phải sát cánh với DN, theo dõi sát sao và sẵn sàng can thiệp nếu nhận thấy cơ quan điều tra của nước ngoài đi chệch hướng so với nguyên tắc chung.
"Chúng tôi sẽ có những hoạt động mang tính chất tiếp tục trao đổi, chia sẻ thông tin, có được thông tin 2 chiều từ phía DN để phát huy hiệu quả hơn nữa. Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh rằng phải xác định DN là đối tượng trực tiếp nên luôn cần sự chủ động" - ông Trung nói.
Hồ Hương