Ngày 11-11, tại buổi giới thiệu triển lãm quốc tế về nội thất thông minh và các xu hướng đột phá trong ngành gỗ, dự kiến tổ chức tại Bình Dương từ ngày 27 đến 30-11, ban tổ chức đã cung cấp thông tin về tình hình xuất khẩu gỗ Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới từ thị trường quốc tế.
Đáng chú ý là nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và EU đang giảm mạnh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và lạm phát gia tăng, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Nhiều đơn hàng từ các thị trường này sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành gỗ. Cùng với đó, các yêu cầu về nguồn gốc gỗ và sản xuất bền vững càng tăng áp lực lên các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp hiện phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khắt khe để tránh bị áp thuế cao.
Tại Mỹ, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang đối diện với khả năng bị điều tra chống bán phá giá, đặc biệt với các sản phẩm có nguồn gốc từ nước thứ ba, chẳng hạn như gỗ nhập từ Trung Quốc. Việc điều tra có thể dẫn đến biện pháp trừng phạt thuế suất cao nếu bị kết luận vi phạm, đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Mỹ. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển tàu biển vẫn cao, tình trạng thiếu container và các vấn đề logistics khiến chi phí vận chuyển tăng đáng kể do lạm phát và thiếu hụt lao động.
Doanh nghiệp ngành gỗ lo đối mặt với nhiều thách thức mới về xuất khẩu. Ảnh: LÊ THÚY
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, mang lại cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam. Các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường mới. Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp - Chi nhánh TP HCM, cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong tháng 10 đạt 1,5 tỉ USD, tăng 20% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 13,2 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ. Ông nhìn nhận thị trường Mỹ hiện chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam. Trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Donald Trump từng áp dụng nhiều biện pháp đối với xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, đòi hỏi cân bằng thương mại. Tới đây, khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ngành gỗ có thể phải đối mặt với các biện pháp điều chỉnh nhưng cũng có thể hưởng lợi từ cơ hội thu hút đầu tư và phát triển.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết với khoảng 1.200 doanh nghiệp trong ngành gỗ, Bình Dương đang là trung tâm xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam, đóng góp hơn 5,4 tỉ USD vào kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm. Các thị trường xuất khẩu chủ lực bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản và Canada, đều ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong năm qua.
Nguyễn Hải